Theo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, 25% giá trị sản xuất công nghiệp; Tỷ trọng giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến, chế tạo…

{keywords}
Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Ảnh minh họa.

Để góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong một bài nghiên cứu mới đây, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Học viện Tài chính gợi ý một số giải pháp cần chú trọng:

Phát triển các khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ chuyên sâu:

Việt Nam hiện có khoảng 300 KCN, khu chế xuất (KCX) và gần 900 cụm công nghiệp; tuy nhiên, lại có rất ít các KCN hỗ trợ chuyên sâu.

Vì vậy, thời gian tới, cần hỗ trợ các địa phương thực hiện quy hoạch khu kinh tế, KCN; rà roát, chuyển đổi hoặc thành lập mới một số KCN hỗ trợ chuyên sâu, với quy mô phù hợp; Hỗ trợ cho các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng, với những ưu đãi thích hợp về quỹ đất đai, phát triển hạ tầng, tiền thuê đất…

Phát triển sản xuất để tăng tính chủ động và giảm giá thành nguyên phụ liệu là động lực quan trọng cho phát triển bền vững và hiệu quả ngành Da giày Việt Nam.

Trước hết, cần xây dựng quy hoạch vùng công nghiệp da giày, kể cả ngành thuộc da, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cùng với đó, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế với các chính sách hỗ trợ đặc thù về đất, thuế và ưu đãi vay vốn để đầu tư xây dựng một KCN thuộc da tập trung và một số cụm công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Da giày; bố trí tại địa phương tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp (DN) của ngành, kết hợp với KCN dệt nhuộm của ngành Dệt may...

Ngoài ra, đồng bộ và nhất quán việc thực thi các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ ngành da giày như đối với phát triển các công nghiệp hỗ trợ khác, cụ thể gồm: Những ưu đãi về khuyến khích đầu tư phát triển thị trường, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực, các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu để sản xuất da thuộc, vải giả da, đế giầy, keo dán tổng hợp, hóa chất thuộc da, da muối, dây giầy, nhãn mác, chỉ may giầy, phụ tùng máy móc thiết bị sản xuất của ngành da- giày…

Đồng thời, xây dựng và áp dụng thống nhất quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực da giày, đáp ứng yêu cầu hội nhập và pháp luật của Việt Nam; Nghiên cứu các quy trình công nghệ xử lý chất thải dạng rắn, lỏng, khí trong thuộc da, sản xuất giầy dép và chế biến đồ da theo công nghệ tiên tiến, thân thiện và bảo vệ môi trường; Phát triển năng lực phân tích đánh giá nguyên phụ liệu, sản phẩm và môi trường ngành; Xây dựng các website chuyên thông tin và xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Khuyến khích và tạo áp lực cần thiết để DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng liên kết và chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa các DN, tập đoàn lớn với các DN nhỏ và vừa theo chuỗi cung ứng thích ứng...

Cần có kế hoạch đa dạng hoá nguồn nguyên liệu cung ứng nhập khẩu và sản xuất, phát triển các khâu thiết kế, chế tạo mẫu mã và ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để chủ động sản xuất các sản phầm da giày với thương hiệu Việt Nam, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh… Huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành Da giày Việt Nam theo hướng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Xây dựng các cụm – KCN tập trung để kêu gọi các DN sản xuất, nhất là sản xuất sản phẩm da thuộc nhằm tạo điều kiện xử lý môi trường…

Bên cạnh đó, cần chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nghề và phát triển các khâu thiết kế, chế tạo mẫu mã và xúc tiến thương mại để chủ động sản xuất các sản phẩm da giày-túi xách thuơng hiệu Việt Nam, chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.

Cụ thể và đồng bộ hóa các ưu đãi:

Các DN công nghiệp hỗ trợ không chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư mở rộng như các DN khác, mà còn cần được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp nhất, cùng với thời hạn miễn và giảm thuế cao nhất.

Lãi suất cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được áp dụng mức thấp nhất trong khung lãi suất cho vay trung và dài hạn của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể trong cùng thời kỳ.

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 03/QĐ-TTg, trong đó, bổ sung cơ chế ưu đãi riêng cho các DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ và các DN nhỏ và vừa trong các lĩnh vực, ngành nghề khác.

Trường hợp đặc biệt có thể được cấp bảo lãnh tín dụng bằng 100% giá trị khoản vay của khách hàng tại tổ chức tín dụng để các DN đầu tư vào máy móc, thiết bị… Thời gian tới, cần nghiên cứu phân cấp và giảm chi phí, thời gian xét duyệt dự án cấp ưu đãi theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ:

Tiếp tục triển khai Quyết định số 1201/2012/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề, góp phần nâng cao tay nghề, chất lượng lao động cho các DN và địa phương.

Để triển khai hiệu quả chính sách này cần khuyến khích các đối tác đầu tư nước ngoài phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đưa vào chương trình đào tạo hàng năm kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ; Tăng liên kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất; Thu hút các chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo các ngành nghề như điện tử tin học, tự động hoá, cơ khí chính xác, các công nghệ hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới; Đào tạo đội ngũ các nhà quản lý DN, các chuyên gia bậc cao, những chuyên viên kỹ thuật giỏi…

Đẩy mạnh xúc tiến thị trường và chuyển giao công nghệ:

Tiếp tục khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ quảng cáo miễn phí trên các trang web của các Sở Công Thương (chú ý bổ sung nội dung trang web bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài); Xây dựng cơ sở dữ liệu về DN có vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường các trang thông tin về tình hình, chính sách đầu tư và xúc tiến đầu tư bằng các thứ tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng của những nước là các nhà đầu tư chiến lược hoặc các nhà đầu tư có tiềm năng; Đẩy mạnh việc tiếp xúc, trao đổi, hỗ trợ các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.

Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia. Trong các dự án đầu tư phát triển và trong hợp tác sản xuất kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố để quyết định dự án đầu tư.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần dành một phần ngân sách thỏa đáng để cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Thu Nga tổng hợp