Hiệp định EVFTA vừa ký kết hôm 30/6 có lộ trình cam kết giảm thuế trong 3 đến 7 năm cho gần 100% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.

Theo đó, các nhóm ngành dệt may, giày dép sẽ có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi. Cụ thể, đối với ngành da giày,  ước có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, mặt hàng túi xách sẽ hưởng lợi ngay, do thuế được giảm về 0% ngay khi FTA đi vào thực thi.

{keywords}
Cơ hội lớn cho dệt may, da giày từ EVFTA

Bộ Công Thương cho biết, năm 2018, thị trường EU chiếm khoảng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD của ngành da giày. Dự báo dưới tác động của EVFTA, ngành da giày sẽ tăng trưởng xuất khẩu vào EU vượt trên 12%/năm trong năm đầu tiên và sẽ tăng trên dưới 10% vào những năm tiếp theo.

Đối với ngành dệt may, mức thuế cũng sẽ giảm dần từ 15% hiện hành về 0% trong 7 năm tới.

Đặc biệt, quy tắc truy xuất hàng hóa trong EVFTA chỉ áp dụng xuất xứ từ vải thay vì từ sợi như CPTPP. Do đó, chỉ cần vải sản xuất từ Việt Nam hoặc từ các nước đã có hiệp định song phương với EU, các sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA. 

Trong năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu sang EU chỉ đạt hơn 4 tỷ USD. Đây là con số khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu 36 tỷ USD của ngành này trong năm 2018.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam kỳ vọng, EVFTA sẽ là 1 chú hích giúp cho xuất khẩu của ngành dệt may sang thị trường EU được thuận lợi và tăng trưởng tích cực hơn. 

Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn bởi các doanh nghiệp may mặc Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nguyên liệu vải từ bên ngoài. Sản xuất vải trong nước chỉ đáp ứng được 30%.

Trong khi đó, có đến 50% vải mà các DN dệt may Việt Nam nhập khẩu lại từ Trung Quốc- Đài Loan, là các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp định song phương với EU.

Mấu chốt để tận dụng được các lợi ích từ EVFTA là Việt Nam phải  phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, đặc biệt là khâu dệt nhuộm nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may – cắt.

Đối với ngành giày dép, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày dép sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA do lộ trình giảm dần đều từ mức 12,4% về 0%. Trong khi đó, ngành giày dép Việt Nam vốn  vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.  

Khi EVFTA có hiệu lực, quy chế GSP sẽ chấm dứt nên nhiều khả năng những năm đầu, ngành giày dép Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế cao hơn mức 3-4%. Đến năm thứ 7, cũng như dệt may, giày dép Việt Nam sẽ được ưu đãi mức thuế 0% theo cam kết trong hiệp định. 

 Thu Ngân