Dệt may gặp khó do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid - 19 gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Ngành dệt may cần tập trung phát triển CNHT, sớm hình thành liên kết chuỗi để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý I, hàng loạt nguyên phụ liệu các doanh nghiệp ký kết với đối tác nước ngoài không nhập về được, nguồn cung bị gián đoạn và thị trường xuất khẩu dệt may cũng bị phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... 

Trong khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn, các công ty trong nước cũng đang gặp không ít thách thức khi tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Theo đại diện của May 10, mặc dù công ty đã liên hệ để kết nối với một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước, song, những nguyên liệu May 10 cần, thì họ không làm được, chất lượng đơn hàng không đạt...

Câu chuyện lệch pha cung - cầu, chi phí sản xuất cao đến nay vẫn là nút thắt lớn khiến nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam mãi chưa được lấp đầy. Liên kết giữa các DN ngành may, giữa DN may - DN sản xuất nguyên phụ liệu, giữa DN trong nước - DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… để thắt chặt nguồn cung ứng cũng là vấn đề lâu nay được đặt ra nhưng mãi chưa thành hình.

Về thực tế lệch pha này, đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu hàng nghìn mẫu mã, chủng loại của DN ngành may hiện nay không dễ và quá sức với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, chưa kể tới bài toán chi phí. Không ít doanh nghiệp ngành Dệt may hiện đã từ bỏ ý định xây dựng nhà máy sản xuất vải, sau khi xây dựng kế hoạch đầu tư bài bản, vì dự báo đứng trước khả năng lỗ lớn. 

Cần xây dựng được liên kết chuỗi để giảm phụ thuộc 

Bởi vậy, các chuyên gia góp bàn, nếu ngành dệt may không cải thiện được ngành công nghiệp hỗ trợ, không sớm xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp sợi - dệt - may, không sớm hình thành liên kết chuỗi để giảm phụ thuộc thì sẽ khó bứt phá, khó khai thác được những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

{keywords}
Cần sớm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sợi- dệt - may. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Bộ Công thương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Mới đây, Bộ đã khai trương cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ, trong đó ngành công nghiệp dệt may có 1.400 doanh nghiệp được đưa vào hệ thống.

Hiện Bộ Công thương cũng đang tích cực hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2040, sớm trình Chính phủ để làm cơ sở xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm có quy mô lớn, có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn để thu hút nhà đầu tư. Đây là nỗ lực không nhỏ của đơn vị quản lý với mong muốn ngành dệt may sớm tháo gỡ được điểm nghẽn thiếu nguyên phụ liệu và tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên về phía doanh nghiệp, cần xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sợi - dệt - may để hiểu rõ và đáp ứng đúng nhu cầu của nhau, liên kết doanh nghiệp trong chính 1 công đoạn để có sự thống nhất chung về giá. Với định hướng xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhà nước đầu tư ban đầu và thu hồi vốn sau. Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cần xây dựng 1 nhóm nhân lực thực hiện nhiệm vụ khớp nối doanh nghiệp giữa các lĩnh vực, như vậy mới đảm bảo hiệu quả. 

Về sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp có mức giảm mạnh nhất, đạt gần 135 triệu m2 (giảm 30,04%). Tiếp đến là vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo đạt 346,5 triệu m2, giảm 8,51%. Vải dệt thoi khác từ sợi bông đạt 49,4 triệu m2, giảm 4,81%. Trong khi đó, riêng sản phẩm vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên có sản lượng 6 tháng tăng so với cùng kỳ, đạt 201,68 triệu m2 (tăng 1,86%).

Sản xuất sợi, sản phẩm sợi tơ (filament) tổng hợp đạt sản lượng cao nhất (785,47 nghìn tấn), tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói... đạt 435,62 nghìn tấn, tăng 4,54%. Sản xuất sợi từ bông (staple) tổng hợp có tỷ trọng của loại bông này dưới 85% đạt gần 95,72 nghìn tấn, giảm nhẹ 1,42%.  

Minh Đức