Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại một số tỉnh thành trong cả nước, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và các hộ chăn nuôi trong tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

{keywords}
Các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm như: phun thuốc sát khuẩn, khử trùng chuồng trại… Ảnh minh họa: Thu Hà

Các xe ra vào trang trại được phun thuốc sát trùng để ngăn ngừa phát sinh, lây lan dịch bệnh... Đây là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học mà gia đình anh Đoàn Đình Phúc, thôn Thượng Đình 2, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương áp dụng để bảo vệ đàn gia cầm trước dịch bệnh.

Thanh Hóa hiện có tổng đàn gia cầm khoảng gần 21 triệu con, trong đó chăn nuôi nông hộ chiếm trên 63%, còn lại là chăn nuôi tại các trang trại, gia trại.

{keywords}
Ảnh Thu Hà

Do chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ nhiều, lại phân tán, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó và nguy cơ tái phát lây lan dịch cúm gia cầm ở khu vực này thường rất cao.

Trước nguy cơ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm, thực hiện công điện 163 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng chống bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát vận chuyển giết mổ gia cầm; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nguồn giống. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm nhất là đàn gia cầm mới tái đàn, nhập đàn sau tết Nguyên đán.

{keywords}
Ảnh: Thu Hà

Hiện cả nước  có 40 ổ dịch cúm gia cầm ở 14 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.

Ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện tiêm phòng đợt 1 năm 2021, các địa phương trong tỉnh cần hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Trong quá trình chăn nuôi, khi kiểm tra thấy gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cần báo ngay với cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp khống chế, dập dịch kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.

Vĩnh Sang