Trong tháng 7 vừa qua, chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh Thái Bình rất ổn định. Chăn nuôi lợn phục hồi chậm, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm, giá bán biến động bất thường.

Dịch bệnh mặc dù đã được kiểm soát chặt chẽ, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ do vậy người chăn nuôi cần có các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm để tránh phát sinh dịch bệnh.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Tổng đàn trâu, bò tại thời điểm tháng 7/2021 duy trì ở mức ổn định, ước đạt 56 nghìn con, tăng 0,5% so với cùng kỳ; trong đó, đàn trâu ước đạt 6,3 nghìn con, tăng 1,9%; đàn bò ước đạt 49,7 nghìn con, tăng 0,3% so với cùng kỳ.

Về chăn nuôi lợn, giá cả thị trường con giống và thịt lợn hơi xuất chuồng trong tỉnh có xu hướng giảm. Giá thịt lợn hơi trung bình giao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg tùy loại lợn, nhiều hộ nông dân có nhu cầu tái đàn song giá thức ăn tăng quá cao, tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp vì vậy việc tái đàn tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn chậm.Tổng đàn lợn tại thời điểm tháng 7/2021 ước đạt 683,7 nghìn con, tăng 3,5% so với cùng kỳ.

UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy và phát triển đàn gia súc theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Trong đó, ngày 13/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 2907/UBND-NNTNMT về việc chỉ đạo tăng cường thực hiện phát triển chăn nuôi, tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Trong đó, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tăng cường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, đẩy mạnh, thực hiện công tác tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm, nhất là tái đàn, tăng đàn lợn, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Theo đó, UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, dồng bộ các nội dung, nhóm giải pháp để thực hiện tái đàn, tăng đàn, phát triển sản xuất chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.

Tập trung cơ cấu lại chăn nuôi, mở rộng phương thức chăn nuôi tập trung, trang trại, ứng dụng quy trình an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, xây dựng phát triển thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi…

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và các văn bản Luật tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc chỉ đạo, thực hiện tái đàn, tăng đàn, phát triển sản xuất chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở.

Sở NN&PTNT thự hiện hướng dẫn bà con các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, đặc biệt là lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi.

Minh Phúc