Theo quan sát, gần đây nông dân một số vùng của tỉnh Vĩnh Phúc đã chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại rau xanh, bởi nhu cầu tiêu thụ cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường được coi là xã thành công và đi đầu trong việc trồng hành tập trung trên diện rộng của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ chỗ chỉ trồng chuyên một loại hành, nay xã đã trồng nhiều loại khác nhau, hành củ, hành hoa, hành thơm, hành tía...

{keywords}
Nhờ trồng hành thơm, bà con Vĩnh Tường có cuộc sống ngày càng ổn định. 

Theo các lão nông ở đây, từ lâu người dân nơi đây đã chọn đưa cây hành thơm vào gieo trồng trên những thửa ruộng đất màu, nhưng vì đầu ra không ổn định, nên phong trào còn lẻ tẻ, chưa phát triển mạnh và đều khắp như bây giờ. Trước đây, chỉ những hộ có đất tơi xốp, màu mỡ mới trồng hành. Còn bây giờ, ước tính có tới hàng trăm hộ tham gia sản xuất trên diện tích 30 - 40 ha.

Nếu so với diện tích đất cấy hai vụ lúa, thì diện tích hành thơm chỉ chiếm khoảng 12%, nhưng lại cho thu nhập cao nhất. Ở điều kiện canh tác bình thường, mỗi sào hành thu được 400 kg hành/tháng. Với giá bán tại ruộng bình quân từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, ước tính thu nhập từ hành thơm sẽ thu được 3,5 triệu đồng/tháng/sào diện tích, cao hơn rất nhiều lần so với cây lúa. Sau mỗi vụ thu hoạch hành, nhiều hộ dân lại mua sắm thêm được những tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như: ti vi, tủ lạnh, xe máy...

Theo kinh nghiệm của bà con ở đây, cây hành thơm được trồng từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Khi cây bắt đầu 2 tháng tuổi thì thu hoạch tỉa lần đầu. Sau đó cứ 2 tuần lại tỉa một lần và mỗi lần tỉa đạt trên dưới 200 kg/sào cho đến khi kết thúc vụ.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường, cho hay, huyện Vĩnh Tường đã có đề án, xây dựng kế hoạch phát triển vùng rau xanh, vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng; trong đó, đưa xã Bình Dương vào vùng sản xuất tập trung với diện tích ban đầu khoảng 48- 50 ha chuyên trồng màu với cây hành thơm là chủ yếu.

Từ lợi ích kinh tế mà cây hành thơm mang lại, xã Bình Dương cùng huyện Vĩnh Tường tiếp tục có những chính sách quy hoạch vùng chuyên canh, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hành, đưa cây hành và các cây rau xanh vào sản xuất sạch... nhằm giúp bà con địa hương có thể giảm nghèo bền vững, từ đó góp phần đẩy nhanh kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia.

Các ngành chức năng ở Vĩnh Tường đang rốt ráo xây dựng thương hiệu cho cây hành ở xã Bình Dương, đồng thời mở ra các kênh kết nối với các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, các bếp ăn tập thể, các siêu thị lớn ở Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận.

Văn Thường