Tại hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho DN ngày 19/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, từ ngày 12/5, Cổng cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bao gồm các dịch vụ: hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế DN; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

"Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vừa qua Cổng đã phát hiện ra việc này”, ông Dũng nói.

Theo đó có một số ý kiến của người lao động phản ảnh qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đến Cổng dịch vụ công quốc gia về tình trạng trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã được MTTQ giám sát.

Đến nay có 96 hồ sơ DN đề nghị hỗ trợ. Các địa phương mới chủ yếu chi trả cho người có công, người nghèo, còn với người lao động của các DN mới đang thực hiện thủ tục.

Tiết kiệm được thời gian đi lại, giấy tờ cho người lao động

Bà Trần Thị Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Thống kê (Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ LĐ-TBXH) cũng hướng dẫn DN thực hiện quy trình “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” và “Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động” thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

{keywords}
Bà Trần Thị Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch-Thống kê (Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH) hướng dẫn quy trình 5 bước làm thủ tục hưởng tiền nghỉ việc không lương do Covid-19

Cụ thể, đối với thủ tục hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” được thực hiện theo quy trình 5 bước.

Bước 1: DN ký tài khoản, đăng nhập và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thì Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được DN thực hiện ký số bằng chữ ký điện tử của DN (chưa cần có xác nhận của cơ quan bảo hiểm). Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ thực hiện kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan BHXH để thực hiện xác nhận trực tuyến.

Bước 2: Cổng Dịch vụ công quốc gia tự động chuyển danh sách qua hệ thống của cơ quan BHXH. Khi nhận được hồ sơ trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, cơ quan BHXH có trách nhiệm xác nhận danh sách người lao động tham gia BHXH; thực hiện ký số vào file thông tin mà Cổng Dịch vụ công quốc gia đã gửi sang. Trường hợp thông tin không chính xác thì cơ quan BHXH có trách nhiệm ghi chú rõ các thông tin không chính xác và trả lại cho Cổng Dịch vụ công quốc gia để thông báo đến DN qua SMS. DN thực hiện hiệu chỉnh thông tin và nộp lại hồ sơ.

Bước 3: Cập nhật danh sách người lao động của DN đạt yêu cầu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chuyển hồ sơ trực tuyến đến UBND cấp huyện. Trong 1 ngày làm việc cơ quan BHXH cập nhật danh sách người lao động của DN đạt yêu cầu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chuyển hồ sơ trực tuyến đến UBDN cấp huyện.

Bước 4: Thẩm định hồ sơ. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của DN, UBND cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trình UBND cấp tỉnh hoặc trả lời đối với những hồ sơ không đạt yêu cầu. UBND cấp huyện cấp tài khoản cho các cơ quan liên quan tham gia thẩm định. Căn cứ vào hồ sơ của DN và kết quả thẩm định của các cơ quan liên quan, cơ quan được giao chủ trì giúp UBND cấp huyện truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia để cập nhật trạng thái, tờ trình và chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt các hồ sơ đạt yêu cầu. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu thì thực hiện cập nhật trạng thái, văn bản trả lời lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để gửi thông báo lại cho DN.

Bước 5: Ra quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ. Trong 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ trình của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ. Cơ quan được giao chủ trì giúp UBND cấp tỉnh cập nhật trạng thái, kết quả giải quyết điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các hồ sơ đạt yêu cầu. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu thì thực hiện cập nhật trạng thái, văn bản trả lời lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để gửi thông báo lại cho DN.

Đối với quy trình thực hiện thủ tục Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động cũng theo 5 bước tương tự.

Theo bà Liễu, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với VPCP xây dựng quy trình mô tả DN đăng nhập trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện các thủ tục này.

Điểm thuận lợi khi DN thực hiện thủ tục qua Cổng Dịch vụ công quốc gia so với nộp hồ sơ ở cấp huyện là DN không phải đến cơ quan BHXH thực hiện xác nhận với người lao động, cơ quan BHXH sẽ rút ngắn thủ tục từ 3 ngày xuống còn 1 ngày, DN không phải đến cơ quan cấp huyện để nộp hồ sơ và các giao dịch được dùng chữ ký điện tử của DN...

“Như vậy, DN có thuận lợi là giảm chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian, giấy tờ và tránh tiêu cực phát sinh”, bà Liễu cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cung cấp các thủ tục để hỗ trợ người dân, DN trong và sau đại dịch Covid-19 thể hiện sự triển khai kịp thời, quyết tâm của VPCP cùng các cơ quan, bộ ngành để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước.

6 dịch vụ này rất quan trọng, thúc đẩy việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, chính xác và hạn chế vấn đề gian lận, trục lợi chính sách.

Thu Minh