Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa chia sẻ những nội dung trên trong chương trình Góc nhìn thẳng với VietNamNet.

Mời quý vị và các bạn xem video cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật:

Việc Bộ Công an mới đây có chủ trương, để người dân ghi âm, ghi hình giám sát lực lượng cảnh sát giao thông khi thực thi công vụ, đã được đông đảo nhân dân bày tỏ thái độ đồng tình, coi đây là một việc làm tích cực,  "vàng không sợ lửa". 

Góc nhìn thẳng mời  đến trường quay, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), để trao đổi kỹ về vấn đề đang rất được quan tâm này.

Xin cảm ơn  Thượng tá Nguyễn Quang Nhật đã tham dự chương trình Góc nhìn thẳng
với chúng tôi.

MC Như Quỳnh: Thưa thượng tá, xin được bắt đầu bằng việc chào, dự thảo thông tư quy định chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm...  hoặc có hành vi thiếu văn hoá, sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác... sau đó nói lời: “Chào ông (bà, anh, chị"...). Quy định này cũng đang gây tranh cãi, thiếu tá có thể phân tích cụ thể hơn về những tranh cãi này?

{keywords}
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). Ảnh Phạm Hải.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Quy định về việc chào người vi phạm không phải là mới, mà nằm trong các thông tư trước đây, quy định về hoạt động, tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, điểm mới của thông tư thay thế cho thông tư quy định về tuần tra kiểm sát của lực lượng cảnh sát giao thông,  có thể được xem là một việc thực hiện  văn hóa ứng xử  tốt của người cảnh sát giao thông trong quá trình tiếp xúc với nhân dân.

Việc chào người vi phạm ở đây, được hiểu là việc  người cảnh sát giao thông dùng động tác chào theo điều lệnh,  hoặc dùng lời nói hoặc lời chào, chào bác chào ông, chào bà…

Việc này trên thực tế còn có nhiều lúc người dân hiểu chưa đúng, dẫn đến có những yêu cầu, vặn vẹo lại lực lượng chức năng trong khi thực thi nhiệm vụ.  Lần này, đã được quy định cụ thể, ở đây là chào bằng động tác theo điều lệnh, hoặc có thể dùng lời nói,.

Ngoài ra, trong thông tư mới thay thế thông tư quy định về tuần tra kiểm soát, chúng tôi còn quy định,  cảnh sát giao thông còn phải thông báo  lỗi vi phạm, giải thích lỗi vi phạm đối với người dân, để người dân hiểu, chấp hành. Đồng thời, khi kết thúc việc xử lý, cảnh sát giao thông phải nói lời cảm ơn với người dân, cảm ơn sự hợp tác của người dân.

Đây là những điểm mới để nâng cao giao tiếp văn hóa ứng xử của lực lượng công an nhân dân nói chung cũng như của lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhân dân.

MC Như Quỳnh: Việc Bộ công an cho phép người dân ghi âm, ghi hình cũng là một trong những cách tăng cường minh bạch hóa trong hoạt động tuần tra , kiểm sát của lực lượng cảnh sát giao thông?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật:  Trong thông tư mới, dự thảo thông tư để xin ý kiến nhân dân, về quy định của quy trình tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì điểm nổi bật đó là tính minh bạch, công khai hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.

Đó là việc mà chúng tôi thông tin đầy đủ, cụ thể về chương trình, kế hoạch, hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ví dụ: những kế hoạch như: tổng kiểm soát phương tiện hay những cao điểm, chuyên đề,  kiểm soát nồng độ cồn, kiểm sát ma túy…được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân biết và chấp  hành sự tuần tra, kiểm sát của lực lượng chức năng.

Chúng tôi công khai tuyến  đường, thời điểm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Một mặt, vị trí công tác của lực lượng cảnh sát giao thông cũng được đánh dấu bằng  khu vực kiểm soát, được đặt chóp nón, căng dây phản quang, và được đặt  báo hiệu trạm cảnh sát giao thông đúng với quy định của luật giao thông đường bộ. Vừa đảm bảo an toàn cho người  thực thi nhiệm vụ, an toàn cho  người và phương tiện bị tuần tra kiểm soát, vừa  tách ra khỏi  dòng giao thông,  cũng như đảm bảo an toàn cho những  người tham gia giao thông khác.

Những hoạt động này ngoài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng được đăng tải trên các trang  thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, cũng như  công an các tỉnh, thành phố, phòng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố. 

{keywords}
Trong thông tư mới, dự thảo thông tư để xin ý kiến nhân dân, điểm nổi bật chính là tính minh bạch. Ảnh Phạm Hải

MC Như Quỳnh: Thượng tá có thể phân tích cụ thể hơn việc người dân được phép ghi âm, ghi hình nhưng việc giám sát này phải thực hiện theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Quy định này thì có thể gộp lại nằm trong hai thông tư mới mà Bộ Công an đang xin ý kiến của nhân dân. Đó là thông tư quy định về quy chế dân chủ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như thông tư quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông.

Việc giám sát của người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông cũng không phải là vấn đề mới. Khi mà người dân được quyền giám sát đối với  cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức nhà nước, trong đó, có lực lượng cảnh sát giao thông. Việc quy định ở đây chỉ là cụ thể hóa hơn hình thức giám sát của người dân, trong khi tiếp thu ý kiến, quy định cụ thể hóa hơn hình thức giám sát của người dân là có thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, hoặc quan sát trực tiếp. Nhưng hoạt động này của người dân cũng phải trong khuôn khổ của pháp luật, và không làm cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời lực lượng cảnh sát giao thông cũng hơn ai hết nhận thấy, từ việc giám sát của người dân, sự phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, nó cũng là tấm gương để soi lại bản thân và thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đúng lễ tiết, tác phong, đúng quy trình công tác,  ứng xử lời nói có văn hóa, lễ phép, kính trọng với nhân dân.

MC Như Quỳnh: Ông có thể nêu một số ví dụ thế nào là cản trở lực lượng cảnh sát giao thông?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Việc cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ trong việc giám sát người dân được hiểu ví dụ như: việc quay phim, chụp ảnh  của người dân có thể thực hiện, nhưng không thể làm cản trở những việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Như lực lượng cảnh sát giao thông đang tham gia trực tiếp hoặc tham gia phối hợp để phòng chống tội phạm thì cũng không được làm cản trở đến hoạt động đó.  Việc người dân giám sát, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho  bản thân người dân giám sát, bản thân những người tham gia giao thông khác.

Có những  khu vực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cấm quay phim, chụp hình,  như các khu vực về an ninh quốc phòng, các khu vực bảo mật quốc gia thì khi lực lượng cảnh sát giao thông tác nghiệp ở  những khu vực đó, làm những nhiệm vụ được giao ở  những khu vực đó, thì người dân cũng không được phép  thực hiện việc quay phim, chụp hình…

MC Như Quỳnh: Thực tế thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã gặp phải những vấn đề gì gây cản trở hoạt động từ việc người dân ghi âm, ghi hình?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Ở đây, chúng ta phải hiểu một cách rộng rãi đó là việc giám sát là người dân có quyền. Nhưng việc giám sát đó phải có văn hóa. Không phải việc giám sát đó là việc dùng áp lực của việc đó để ảnh hưởng đến  lực lượng thực thi nhiệm vụ, hoặc có  hành động phản văn hóa, ví dụ như dơ máy quay dí sát vào mặt, người, của lực lượng thực thi nhiệm vụ, tạo ức chế cho họ trong quá trình làm nhiệm vụ. Hoặc người dân không sử dụng trung thực nội dung đã giám sát đó, cắt ghép, tung lên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Nó không đảm bảo việc phản ánh khách quan, trung thực sự việc đã diễn ra. Vì thế ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, thì  hành vi phản cảm đó cũng không nên.

MC Như Quỳnh: Bộ Công an cũng nói rằng việc này phải được nghiên cứu tiếp vì có những vấn đề dự kiến sẽ phát sinh mà hiện nay pháp luật chưa có điều chỉnh, vậy đây là những vấn đề nào, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật: Trong quá trình dự thảo, thông tư được lấy ý kiến của người dân, các bộ ngành, địa phương.  Trên cơ sở những đóng góp đó chúng tôi tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn, những doanh nghiệp, người tham gia giao thông, doanh nghiệp vận tải có ý kiến đóng góp để lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng cũng như Bộ Công an sẽ có điều chỉnh tổng thể, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự thảo thông tư về tuần tra kiểm sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Để mục đích đạt được là hiệu quả, hiệu lực của thông tư được phát huy, và thiết lập được kỷ cương về trật tự an toàn giao thông.

{keywords}
Hoạt động ghi âm, ghi hình của người dân cũng phải thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, và không làm cản trở lực lượng thực thi nhiệm vụ. Ảnh Phạm Hải.

MC Như Quỳnh:  Xin thượng tá cho biết việc nhận thông tin vi phạm từ người dân để xử lý những vi phạm của cán bộ chiến sĩ trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong thông tư có những điểm mới nào đáng quan tâm?

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật:  Việc tiếp nhận những thông tin phản ánh của người  dân về hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông nằm trong quy trình của việc tiếp nhận những thông tin đó.

Và quan trọng là lãnh đạo chỉ huy các cấp trong công an nhân dân nói chung, cũng như trong lực lượng cảnh sát giao thông  nói riêng, khi tiếp nhận, sẽ tiến hành việc xác minh, làm rõ những vấn đề được nêu, xem  đúng sai đến đâu và chiếu theo quy định thì chúng tôi sẽ xử lý, theo quy định của ngành công an, cũng như quy định của pháp luật. 

Xin cảm ơn Thượng tá Nguyễn Quang Nhật về cuộc trao đổi thẳng thắn. Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)