Lớp học trồng nấm miễn phí

Chia sẻ về lớp học trồng nấm ở xã Đăk Wil mà nhiều lao động nông thôn huyện Cư Jút đang tham gia, ông Cao Văn Lạc, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút (Đắk Nông) cho biết, lớp học này hoàn toàn miễn phí. Không những vậy, học viên là lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số trong huyện khi tham gia khóa học còn được hỗ trợ tiền ăn trưa 30.000 đồng/ngày.

Một khóa học trồng nấm nay kéo dài khoảng 320-360 tiết. Kết thúc khóa học, bà con sẽ được cấp chứng chỉ và quan trọng hơn là được trang bị đủ kiến thức để trồng, chăm sóc những loại nấm có giá trị kinh tế cao. Theo ông Lạc, việc tổ chức các lớp học nhằm tạo sinh kế mới, giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định, cải thiện thu nhập.

Hoàng Thị Viện, 21 tuổi, người dân tộc Dao ở huyện Cư Jút tham gia lớp học trồng nấm miễn phí tại xã Đăk Wil chia sẻ, bố mẹ Viện làm nương, làm rẫy gần 30 năm rồi mà cuộc sống của gia đình vẫn khó khăn, nhiều khi thiếu ăn. Vì thế, Viên quyết định đi học trồng nấm với ước muốn không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn có thể làm giàu nữa.

{keywords}
Nhiều người dân vùng nông thôn huyện Cư Jút được tham gia lớp đào tạo trồng nấm miễn phí 

Trong khi đó, nhiều học viên là những lao động nông thôn ở huyện Cư Jút tham gia lớp học cũng mong muốn học được nghề để làm ra được sản phẩm chất lượng, từ đó nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình.

Thực tế hiện nay, sau khi tham gia lớp học trồng nấm, vùng Krông Ana nay trở thành “thủ phủ” trồng nấm của tỉnh Đắk Lắk với trên 80 hộ sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình nơi đây đã đổi đời, trở thành hộ gia đình giàu có từ nghề trồng nấm.

Trồng nấm 1 mét vuông có thể thu 3 triệu đồng

Theo kỹ sư Hồ Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana (Đắk Lắk) – người trực tiếp đứng lớp dạy nghề trồng nấm ở Đăk Wil, nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển nghề trồng nấm. Nguồn phế thẩm có thể tận dụng được để trồng nấm tại các vùng nông thôn hiện nay cực kỳ nhiều.

Đơn cử, riêng lượng rơm rạ 20-30 triệu tấn/năm đủ để sản xuất 2 triệu tấn nấm tươi, trị giá 1 tỉ USD, thậm chí nếu chế biến thành đồ hộp giá trị còn cao hơn. Trong khi đó, đến nay cả nước mới sản xuất được khoảng 250.000 tấn nấm/năm.

Bà Hạnh tính toán, nếu đầu tư khoảng 40 triệu trồng nấm rơm, một năm có thể thu về 70 triệu đồng tiền lãi. Còn nấm bào ngư đầu tư khoảng 40 triệu thì một năm thu khoảng 40 triệu tiền lãi.

Ngoài rơm rạ, nguồn bã mía từ các nhà máy sản xuất đường cũng có thể tận dụng làm các giá thể để trồng nấm, bà Hạnh nói.

Kỹ sư Dương Thị Kim Lợi chuyên về cây trồng của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, nghề trồng nấm đã và đang phát triển trên toàn thế giới. Ở các vùng nông thôn, mùi núi nước ta hiện nay, đây được coi là nghề xóa đói, giảm nghèo, thậm chí có thể làm giàu.

Chia sẻ về tiềm năng lợi thế của nghề trồng nấm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000m2, nhưng tháng nào cũng thu 400-500 triệu nấm tỏi gà. Hay mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20kg nấm mà 1kg nấm bây giờ bán 150.000 đồng (3 triệu đồng/m2).

Theo Bộ trưởng Cường, ngoài rơm rạ nước ta còn có nguồn bã mía rất dồi dào. Bã mía này có thể tận dụng để làm giá thể nấm.

Trong khi, sản xuất nấm đem lại nguồn thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, chi phí sản xuất thấp và cần diện tích nuôi trồng ít hơn nhiều lần so với cây trồng khác, tạo việc làm tại chỗ và mọi lứa tuổi đều có thể tham gia. Đặc biệt, nấm sẽ là sản phẩm thức ăn tiềm năng, trong 10 năm nữa chưa sản xuất đủ.

Các doanh nghiệp có thể đi học công nghệ này của Nhật sau đó về truyền dạy cho người lao động vùng trồng mía để kết hợp trồng nấm. Lúc đó, bã mía sẽ quý hơn vàng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Châu Giang