Tình yêu thời chiến đôi khi vụng dại ngây ngô lắm, yêu rành rành ra đó mà thổn thức lắm cũng chẳng dám thổ lộ yêu đương. Để đến khi đêm về thao thức trằn trọc, hễ nhắm mắt vào hình ảnh người con gái đó xuất hiện sáng bừng cả giấc mơ, mới biết trái tim mình đã khắc ghi hình ảnh của người ấy". Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm - nguyên Trưởng phòng Tình báo Tổng cục II bắt đầu câu chuyện hạnh phúc trăm năm của mình bằng câu nói ấy.

"Đợi anh về em nhé..."

Ở cái tuổi 87 khi kể về mối tình đầu và cũng là mối tình cuối của cuộc đời về người vợ tảo tần, sát cánh cùng ông đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nụ cười đôn hậu, biết ơn luôn thường trực trên môi ông khiến vợ ông - bà Nguyễn Thị Minh ngồi sát cạnh mỉm cười hạnh phúc, làn da hằn những dấu vết chân chim mưa nắng cuộc đời ửng hồng có phần ngượng nghịu như thiếu nữ 20 ngày nào mới chập chững biết yêu.

Hai người quen biết nhau từ nhỏ, là đôi bạn thanh mai trúc mã cùng lớn lên bên nhau. Nhưng bất chợt một ngày, trái tim đa cảm của chàng trai 22 rạo rực, bồi hồi trước người con gái ấy, nhận ra rằng tình cảm vượt xa tình cảm của người anh đối với cô em gái. Ông không định nghĩa được đó là thứ tình cảm gì. Chỉ biết, mới gặp nhau ở đầu làng, mới trò chuện với nhau, thế mà bóng hình ấy đi khuất nối nhớ lại dâng đầy trong mắt chàng trai trẻ.

Ông kể, ông cũng run rẩy lắm chứ vì sợ nếu cô ấy chẳng có tình cảm gì với mình, nói ra rồi anh em lại khó trò chuyện như xưa. Nhưng chính ông cũng bất ngờ, hạnh phúc tột cùng khi người con gái ấy gật đầu e lệ chấp nhận lời tỏ tình ấy. Ông quay sang nhìn bà trìu mến: "Nếu ngày ấy mình không dũng cảm, để cơ hội tuột khỏi tay, có lẽ sẽ phải ân hận cả đời".

{keywords}
Vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm

Đám cưới diễn ra đơn giản, mộc mạc với sự chứng kiến của gia đình hai bên nội ngoại. Điều ông bà tiếc nhất là đám cưới mình không có bạn bè tham dự, bởi chiến tranh loạn lạc, mỗi người phiêu tán một nơi, thèm nghe lời chúc phúc của những người bằng hữu cũng không được...

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước chưa hưởng trọn niềm hân hoan được bao lâu thì lại phải đối mặt với bao nguy cơ khốn khó mới. Cùng lúc đó, phong trào Thanh niên Tiền phong bùng nổ phát triển mạnh mẽ ở Nam Kỳ.

Từ bỏ cuộc sống an nhàn của một nhân viên hãng xe hơi của Pháp ở Gò Công - Tiền Giang, ông cùng vợ khăn gói ra Sài Gòn mang theo chí làm trai sẵn sàng xả thân vì đất nước. Bà Minh tâm sự: "Khi ông ấy viết đơn xin nghỉ việc ở hãng xe hơi, ông có hỏi tôi: "Mình đi cùng tôi chứ?" Tôi nhìn sâu vào đôi mắt cương nghị của chồng, bảo: Anh đi bất cứ nơi đâu, em cũng sẵn sàng đi theo anh. Thế nhưng, một buổi tối muộn ở mảnh đất Sài Gòn đầy lạ lẫm, tôi và cô con gái 2 tuổi đầu vẫn ngóng chồng bên mâm cơm đạm bạc, ông lẳng lặng không nói không rằng thi dọn quần áo, tư trang vào chiếc ba lô cũ bạc mầu, ôm hôn cô con gái bé bỏng đầy lưu luyến, sau đó quay lưng toan bước đi không nói một lời. Tôi chạy theo chồng, hỏi anh bỏ rơi mẹ con em sao?. Anh đi đâu thì đợi đến mặt trời sáng, đêm hôm bất trắc hiểm nguy. Ông ấy quay lại nhìn sâu vào đôi mắt vợ, chỉ nói một câu duy nhất: "Em và con đợi anh về", rồi khoác ba lô lên vai, bóng mờ dần rồi mất hút trong đêm tối."

Suốt một năm không nghe bất cứ tin tin nào của chồng, đã có lúc bà cảm thất tuyệt cùng đau khổ. Người phụ nữ ấy chỉ biết ôm con khóc ròng vì nhớ thương chồng trong những canh khuya. Vừa lo cho an nguy tính mạng của chồng, vừa bất an không hiểu chồng bà đi về phương trời nào để bà còn biết ngóng hỏi, chờ đợi.

Còn ông, 2000 cây số cũng giăng đầy nỗi nhớ. Ông cùng hai đồng chí nữa được Ủy ban kháng chiến Nam Bộ cử ra Bắc học ngành tình báo, nhiệm vụ lần này yêu cầu tuyệt đối bí mật, ngay cả người thân tín nhất cũng không thể tiết lộ. Việc nước giao phó, đó là vinh quang và cũng là thách thức đối với ông, dù thương vợ, thương con nhưng ông cũng không dám làm trái lời....

Sau này, bà Minh cũng tham gia Cách mạng, trở thành chị nuôi cho bộ đội anh em chiến sĩ Quân khu 7. Tiếng hai vợ chồng cùng làm một đơn vị, nhưng không ai trong khu biết hoặc mảy may biết họ là hai vợ chồng. Có chạm mặt nhau hàng ngày, trong những bữa cơm trưa, cơm tối tại đơn vị, họ cũng vẫn cứ dửng dưng như không hề quen biết, nói chi đến cử chỉ yêu đương dành cho nhau. Cả hai đều không muốn tìm cảm vợ chồng chi phối tới công việc tại đơn vị.

Tình vợ chồng dạt dào hơn cả "nước Hồng Hà, Cửu Long"

Có được người vợ hiền đảm đang, tháo vát quán xuyến mọi công việc trong gia đình, nên ngày ấy khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, Nguyễn Văn Khiêm hoàn toàn yên tâm, toàn tâm toàn ý làm tốt nhiệm vụ Cách mạng phân công. Lúc này Nguyễn Văn Khiêm được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng ban Tình báo Sài Gòn - Chợ lớn, có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho Bí thư Sài Gòn - Chợ Lớn lúc ấy là đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Bà Minh bùi ngùi, 1 năm trời xa cách không một chút hồi âm trong lần ông ra Bắc học ngành tình báo chẳng thấm vào đâu so với 10 năm đằng đẵng ông sống trong lòng giặc dữ. Theo lệnh của cấp trên, ông xâm nhập vào hàng ngũ địch, làm thư ký Phân cục Nhất của công an Sài Gòn - một lực lượng trọng yếu của Ngụy quyền Sài Gòn. Nhiệm vụ của ông là trực tiếp thu thập những thông tin mật cung cấp cho Cách mạng.

Nhớ lại những năm tháng kinh hoàng nhất, thời kỳ những năm 1959, Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, sẵn sàng tàn sát những người chúng nghi ngờ là Việt cộng với phương châm "giết nhầm hơn bỏ sót", gương mặt bà Minh suy tư trầm mặc.

Có lần đêm khuya khoắt, bình thường chồng bà đã đi làm về từ khá lâu, vậy mà đồng hồ điểm qua hồi chuông thứ 11 vẫn không thấy bóng dáng ông đâu. Bà ra ngõ ngóng đợi ông về, trong đầu bắt đầu hiện lên những suy nghĩ khủng khiếp, hãi hùng về số phận chồng mình. Cho tới khi nghe được giọng ai thân thuộc: "Sao mình đứng ở đây, vào nhà đi kẻo sương lạnh" bà ngước lên và chạy tới ôm ông khóc nức nở như con nít.

Đằng đẵng 10 năm trời ông sống trong lòng kẻ thù là 10 năm bà thấp thỏm không yên, là 10 năm bà thức đợi ông bình an trở về nhà sau mỗi ngày làm việc rồi mới yên tâm làm việc khác.

Những ngày và bị giặc bắt là chuỗi ngày u ám nhất trong cuộc đời ông. Trở về căn nhà quen thuộc, không thấy bóng dáng thân quen đợi ngoài cổng như mọi khi, căn bếp hiu quạnh, thiếu bàn tay phụ nữ...Ông nhìn góc bếp, nhìn khắp căn nhà của mình, tìm kiếm bóng dáng thân thương của vợ hiền mà chẳng thấy đâu. Tận mắt nhìn thấy người mình yêu thương nhất bị tra tấn, hành hạ dã man ông chỉ ước mình có thể thay vợ chịu đòn.

Người phụ nữ bé nhỏ kiên cường ấy đã chịu biết bao nhiêu trận cực hình của địch, để đến giờ mỗi khi trái nắng trở trời, đầu và hai bên vai bà lại đau nhức không cử động được. Chúng bới móc, lùng sục khắp nơi mong tìm ra chứng cứ kết tội bà cấu kết với Việt Minh, nhưng không thấy được một chút vết tích nào, đành chấp nhận thả ra với không ít hậm hực.

Nhìn người vợ thân hình gầy ốm, giờ thêm những vết lằn rớm máu trên da thịt do những trận khảo cung của quân Ngụy, ông thương vợ tới ứa nước mắt. Đích thân ông đun nước nóng, pha nước tắm và xoa bóp cho bà. Ông quan tâm đến bà, dành cho bà những cử chỉ yêu thương - điều mà trước đây công việc bộn bề ông chẳng kịp thực hiện. Ông muốn bù đắp cho bà tất cả.

Niềm vui đoàn tụ sau chuỗi ngày u ám của vợ chồng ông chưa được bao lâu thì ông nhận quyết định điều chuyển vào làm Cụm trưởng Cụm tình báo A20 thuộc Quân khu 7, còn bà làm giao thông viên, móc nối liên lạc thông tin tuyến Tây Ninh - Sài Gòn.

Chẳng được gặp mặt thường xuyên, mỗi người lại mải miết cuốn vào công việc Cách mạng giao phó nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, họ luôn hướng về nhau, dành cho nhau những tình cảm thiết tha, mặn nồng nhất. Bà chuyển những lá thư tới Sài Gòn, đi xe đạp cả đêm để những lá thư kịp tới tay người nhận và bà có một động lực thôi thúc giục giã lên đường: Chồng mình đang ở Sài Gòn. Có lần tới nơi, áo ướt đẫm mồ hôi, bà cũng chỉ kịp nhìn chồng từ xa, biết chắc chồng mình còn khỏe mạnh, bà lại dắt ngược xe trở về đơn vị. Nhớ thương bao nhiêu càng phải kìm nén bấy nhiêu, sợ rằng nếu gặp mặt nhau, lưu luyến quá không ra đi được.

Hòa bình lặp lại, ngỡ tưởng hai vợ chồng đoàn tụ dưới một mái nhà, khi cả hai đều đã có với nhau 8 người con khỏe mạnh. Thế nhưng, chưa kịp hưởng trọn niềm vui, Nguyễn Văn Khiêm lại nhận nhiệm vụ mới, được cử ra Bắc học tại Học viện Quân sự cao cấp.

Ông kể lại, nhận quyết định xong vừa hạnh phúc vì được Cách mạng tin tưởng, nhưng băn khoăn không biết nói thế nào với vợ, bà ấy chịu vất vả nhiều rồi, thêm một lần xa cách ngay tại thời bình, bỏ lại bà ấy cùng đám con thơ cũng không thể yên lòng. Cả đêm ấy, ông trằn trọc không ngủ, mỗi lần định cất lời với vợ lại thấy gương mặt in hằn những mệt mỏi do bom đạn chiến tranh, ông không đành lòng.

Biết chồng không ngủ được, bà quay sang hỏi chuyện ông, ông thú thật với vợ về quyết định mới cầm còn nóng trên tay, bất ngờ hơn, chính bà lại là người giúp ông vững tin: "Mình cứ yên tâm, con cái và việc nhà em lo liệu được."

Có lẽ cho tới khi hai vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm về hưu, họ mới thật sự có được thời gian quan tâm, chăm chút cho nhau. Năm 2001, Thiếu tướng bị tai biến mạch máu não. Bền bỉ 9 năm trời, không ngày nào bà không trò chuyện, tâm sự cho ông nghe, lo lắng cho ông từng viên thuốc, ly sữa, chăm chút cho ông từng giấc ngủ. Bà thay chiếc nạng gỗ cho ông từng bước đi, bà trở thành đôi chân bền bỉ giúp ông từng ngày phục hồi sức khỏe. Để đến giờ trên chiếc ghế sofa ấy, đôi vợ chồng già tóc đã bạc trắng nắm lấy tay nhau, kể cho tôi nghe những năm tháng họ sát cánh bên nhau vượt qua mưa bom, bão đạn bằng tình yêu Tổ quốc bất diệt và tình vợ chồng nồng đượm.

(Theo Mạnh Thắng/ Đang yêu)