Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ mục đích của cuộc làm việc là nhằm nắm bắt tình hình giáo dục địa phương, qua đó kịp thời thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương sao cho nhất quán với chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp với tình hình, đặc thù thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định tầm quan trọng, vai trò có tính chất quyết định của mỗi địa phương trong triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục và đào tạo.

“Thành bại trong công cuộc đổi mới giáo dục tại mỗi địa phương phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm, sát sao chỉ đạo của lãnh đạo các cấp địa phương để có các quyết sách và cách triển khai phù hợp với đặc thù mỗi nơi. Công cuộc đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phải giải nhiều bài toán cùng một lúc. Trong đó có cả các vấn đề căn cơ, nền tảng và các vấn đề mới, phát sinh hoặc chưa có tiền lệ trong thực tế”, Bộ trưởng Sơn nói.

{keywords}

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục Đồng Tháp trong việc thích ứng, vượt qua khó khăn do dịch bệnh giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng lưu ý, năm 2022 dịch bệnh còn phức tạp và thách thức có thể sẽ lớn hơn nhiều lần. Do đó, theo ông Sơn, tỉnh cần tập trung và có phương án, quyết sách mạnh mẽ hơn đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Đây cũng là năm mà trọng tâm tập trung bù đắp kiến thức, kỹ năng sau một thời gian dài học tập trực tuyến, vì vậy, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, ngành Giáo dục cần rà soát, nghiên cứu để có phương án, phân loại, phân nhóm và hỗ trợ phù hợp.

Nhân việc triển khai dạy học trực tuyến do dịch bệnh thời gian qua, theo ông Sơn, Đồng Tháp cần “dấn” thêm một bước để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục theo hướng bài bản, lâu dài.

Năm học 2022-2023 sẽ là năm tiếp theo ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chuẩn bị tốt cho các bước triển khai tiếp theo. Trong đó, cần có các biện pháp quyết liệt, xây dựng kế hoạch triển khai cho từng việc cụ thể như: tập huấn giáo viên; cung cấp, tuyên truyền đầy đủ thông tin để giáo viên đồng thuận và hưởng ứng cùng thực hiện công cuộc đổi mới; kế hoạch và điều kiện chọn sách giáo khoa,...

Đối với vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại địa phương, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có giải pháp tổng thể. Riêng Trường ĐH Đồng Tháp phải đưa ra giải pháp đào tạo và cung cấp giáo viên cho tỉnh.

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Sơn cho hay cũng đang tính đến các giải pháp về chính sách nhằm huy động các lực lượng hỗ trợ nhân lực giảng dạy Tiếng Anh và Tin học; để giảm số lượng giáo viên có thể lưu ý phát huy và tận dụng bài giảng điện tử trong giảng dạy 2 môn học này.

Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất và kiên cố hóa trường học là nhiệm vụ không thể làm ngay nhưng theo Bộ trưởng, Đồng Tháp cũng cần đặt lộ trình cụ thể cho từng năm, qua đó tính toán được nguồn lực để thực hiện. Bộ GD-ĐT sẽ quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ, góp phần cùng với địa phương.

Đề cập tới công tác phổ cập giáo dục mầm non, Bộ trưởng nhấn mạnh, tỉnh cần đặc biệt lưu ý đủ trường, đủ giáo viên cho các trường mầm non, nhà trẻ ở các khu công nghiệp và phải coi đây là việc làm song song với phát triển các khu công nghiệp. Cùng đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, nhất là ở thành phố, những nơi mức sống cao hơn, tập trung nhiều hơn vào cấp mẫu giáo, mầm non, tiểu học - việc này sẽ giúp giảm bớt khó khăn về thiếu giáo viên.

Đáp lại sự quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Bộ GD-ĐT cho giáo dục Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định rất rõ tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo, qua đó luôn dành sự quan tâm cho công tác này. Với các vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt ra và lưu ý tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định sẽ tiếp thu và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Hải Nguyên

Bộ Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh, thành tuyển bổ sung giáo viên mầm non

Bộ Giáo dục yêu cầu 63 tỉnh, thành tuyển bổ sung giáo viên mầm non

Bộ GD-ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành rà soát, tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu.