Đó là ý kiến của PGĐ Sở GD& ĐT Hà Nội khi trao đổi với Góc nhìn thẳng về việc buộc học sinh thôi học 1 tuần khi vi phạm luật giao thông.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông sẽ bị hạ hạnh kiểm, thậm chí có thể buộc thôi học 1 tuần. Đây là chỉ đạo mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội để tổ chức thi đua đảm bảo an toàn giao thông ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên hình thực kỉ luật nghiêm khắc này có phù hợp cũng như góp phần phát huy tác dụng, nâng cao ý thức của học sinh đối với vấn đề tuân thủ luật giao thông hay không.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet ngày hôm nay có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội xung quanh câu chuyện này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, xin ông cho biết căn cứ vào đâu Sở GD-ĐT Hà Nội lại đưa ra chế tài hết sức nghiêm khắc như vậy?

Ông Nguyễn Hiệp Thống –Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội: Thực ra việc giáo dục pháp luật nói chung, đặc biệt việc giáo dục an toàn giao thông chúng tôi đã đưa vào trong trường học và được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác học sinh sinh viên. Vì đó là những việc các em thường va chạm hàng ngày trong khi đến trường và trong khi về nhà.

Ngày từ năm 2011 chúng tôi đã có những quy chế phối hợp với công an để làm tốt việc này và đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Lần này theo những quy định về quy chế trường học phổ thông, theo điều 42, căn cứ vào mức xử phạt, đánh giá hạnh kiểm của học sinh chúng tôi đưa ra những quy định như vậy. Còn có áp dụng hay không còn tùy thuộc điều kiện thực tế và các em có tiếp thu sau khi vi phạm hay không.

Nhà báo Phạm Huyền: Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp buộc học sinh thôi học khi vi phạm giao thông nhiều lần, Sở GD-ĐT Hà Nội có nghiên cứu giải pháp khác? Và hiện nay các nước xung quanh ta có nước nào áp dụng hình phạt tương tự?

Ông Nguyễn Hiệp Thống: Như tôi đã nói ở điều 42 khi nói về các mức độ vi phạm của học sinh (việc vi phạm có đình chỉ thời gian học tập của Bộ GD-ĐT). Ở đây chúng tôi quy định mức dừng học một tuần là mức chúng tôi cho hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này đã có tham khảo mặt bằng ở các địa phương cũng như quy định của các nước lân cận xung quanh vấn đề này. Rõ ràng việc chấp hành pháp luật nói chung và đặc biệt pháp luật về luật an toàn giao thông, trước mắt là đảm bảo ngay lập tức đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh.

Kế theo đó là vấn nạn giao thông thủ đô. Cho nên nếu chúng ta không làm nghiêm khắc sẽ để lại hậu quả rất không lường.

Nhà báo Phạm Huyền: Khi đưa ra chế tài như vậy, sở có đánh giá như thế nào về hiệu quả của biện pháp?

{keywords}

Ông Nguyễn Hiệp Thống: Chúng tôi bắt đầu áp dụng thực hiện từ giai đoạn này, năm học này. Thực ra có một số trường đã triển khai nhưng việc học sinh bị đình chỉ học tập vì vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa nhiều. Có thể nói là rất ít trường đã phải thực hiện xử phạt đến mức như thế này.

Chúng tôi đều nhận được sự đồng thuận của các bậc cha mẹ học sinh, các cơ quan chức năng khi giáo dục cho các em về an toàn giao thông.

Ở đây cũng xin tâm sự việc giáo dục cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Nó là tam giác đều mà “ba mặt trận” cùng phải vào cuộc: gia đình, nhà trường và xã hội. Bên trong nhà trường có rất nhiều hình thức để giáo dục, tuyên truyền với các em, cho các em học luật và trong-ngoài giờ lên lớp, cho các em dựng những tiểu phẩm, phê phán những hành động vi phạm, hành vi sai trái, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đã mang những hiệu quả tốt, có tinh tuyên truyền cao.

Nếu trong thời gian tới tình trạng học sinh vi phạm giao thông không được cải thiện, tôi nói riêng về vấn đề học sinh, lực lượng trong ngành giáo dục không được cải thiện mặc dù đã được giáo dục, tuyên truyền thì bắt buộc chúng ta phải có biện pháp nghiêm khắc hơn.

Cá nhân tôi tin tưởng và hi vọng đưa ra quy định như vậy nhưng mong là sẽ không có nhiều học sinh bị xử phạt như vậy. Tôi cũng tin tưởng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, của báo chí truyền thông và đặc biệt của gia đình học sinh thì học sinh sẽ không bị đến mức quá nhiều lần vi phạm để đến mức phải đình chỉ học tập.

Nhà báo Phạm Huyền: Được biết trong năm 2015, Sở GD-ĐT đã có quy định sẽ hạ hạnh kiểm một tháng hoặc 1 học kỳ đối với những em học sinh không đội mũ bảo hiểm. Cũng là câu chuyện về vi phạm luật giao thông. Đến nay kết quả của chế tài đó như thế nào?

Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đã có học sinh của nhiều học sinh, nhiều lớp, nhiều trường khi chúng tôi họp hội đồng thi đua cuối năm, tôi nhớ là 14-15 trường có văn bản của cơ quan công an phản ánh tình trạng học sinh vi phạm không có đội mũ bảo hiểm chúng tôi đã hạ bậc thi đua. Nhiều trường đã bị xử lí như thế này.

Tôi tin việc chúng ta ra những chế tài là cần thiết. Đây không chỉ giáo dục cho riêng các em mà còn những em khác là bài học cho các em khi bạn mình vi phạm đến mức đình chỉ học tập.

Chúng tôi cũng tâm sự với VietNamNet là đình chỉ học tập không có nghĩa đuổi các em học sinh ra ngoài đường. Đình chỉ học tập chúng tôi giao cho cha mẹ cùng phối hợp với nhà trường để trong mấy ngày đó các em tự kiểm điểm lại mình, tự mình uốn nắn để không trở thành người vi phạm.

Vấn đề thứ hai là hôm nay chúng tôi giáo dục cho các em không phải chỉ để hôm nay các em không vi phạm, nguy hiểm đến tính mạng. Đó là một việc. Việc rất quan trọng nhưng ý nghĩa lâu dài hơn, sâu xa hơn đó là mươi năm nữa các em ra nước ngoài học tập, các em trưởng thành, các em lao động ở nước ngoài, trong thế giới hội nhập thì các em là những người công dân văn minh, biết tôn trọng pháp luật của cộng đồng.

Các em biết tôn trọng luật của địa phương và các em giao thông trên đường có kĩ năng tham gia, có là công dân văn hóa.

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng tôi cũng rất đồng ý với quan điểm của ông về mục đích sâu xa trong việc đưa ra chế tài như vậy. Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh lo ngại liệu đưa ra giải pháp như vậy có giúp các em tiến bộ hơn trong việc tuân thủ luật giao thông, mà ngược lại biết đâu lại ảnh hưởng quá trình học tập của các em. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?

Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đã là học sinh, sống trong tập thể thì có quy định. Một cá nhân tham gia cộng đồng phải chấp hành quy định. Mà quy định đó có trong quy định của nhà nước thì chúng ta phải tôn trọng. Thứ nhất các em phải ý thức mình sẽ phải bình đẳng như các bạn, không thể khác các bạn được. Cho nên em phải tôn trọng quy định đó.

Thứ hai, khi có những hình thức mà nhà trường đã giáo dục như đã nói bằng nhiều hình thức, kể cả cho các em chia thành những tổ để nghiên cứu, cùng nhau trả lời thành những nhóm thi với nhau về các câu hỏi luật an toàn giao thông. Có rất nhiều cách tuyên truyền giáo dục, răn rất nhiều nhưng đã đến lúc cũng phải có biện pháp để đe.

Tôi nói lại một lần nữa, chúng ta là những người lớn lo những việc này cũng là lo cho chính các em. Khoan hãy nói đến chuyện đình chỉ học tập các em sẽ bị thế này thế kia hãy tính một việc là tại sao không dạy dỗ các em để các em không bị vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

VietNamNet