- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phân tích về những điểm mới của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và nhấn mạnh đến năm 2018 khi thực hiện chương trình, SGK mới sẽ có từ 90%-95% các trường đủ điều kiện thực hiện được ngay.

Khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng lấn kiến thức

Trao đổi với báo chí về dự thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể từ lớp 1 đến 12 sẽ gợi ý các chương trình bộ môn đi theo đảm bảo hài hòa, thống nhất về nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện,…khắc phục tình trạng chương trình cắt khúc, chồng lấn, dạy đi dạy lại như trước đây.

 Ông Nguyễn Vinh Hiển trao đổi trên chương trình "Vấn đề hôm nay" của VTV

Điểm mới nữa là chương trình được thiết kế chuyển từ từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang trang bị năng lực phẩm chất dựa trên trang bị kiến thức cho người học.

Mục tiêu giữa các cấp học trong lần đổi mới này cũng được nói rõ hơn, chi tiết hơn với mức độ từ thấp lên cao dần. Trước đây những vấn đề này không được nói rõ.

Ví dụ với bậc tiểu học ngoài đọc thông viết thạo ra thì yêu cầu các em hình thành thói quen tốt trong học tập, sinh hoạt, có tình yêu và tự hào với quê hương, gia đình, dòng tộc.

Lên THCS thì cao hơn, là hình thành kiến thức phổ thông nền tảng, bắt đầu hình thành khả năng tự học để theo học tiếp THPT hoặc ra đời được.

Giảm “gà nòi”

Điểm mới thứ ba, nếu chương trình vừa rồi ta làm tốt ở một số bộ môn, học sinh đi thi thế giới rất giỏi, thành tích tốt nhưng kĩ năng sống, năng lực giao tiếp, giải quyết vấn đề chưa tốt; học sinh bị đánh giá là "gà nòi", khuôn phép thì nay chương trình sẽ giúp học sinh năng động hơn, biết giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm… Về thiết kế chương trình, nội dung sẽ tăng cường hoạt động xã hội của học sinh, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho các em.

{keywords}

Học sinh trong mô hình trường tiểu học mới. (Ảnh: Văn Chung).

Trước, học sinh có trải nghiệm ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa; nay sẽ ở mức cao hơn, phong phú hơn, tăng cường khả năng hoạt động xã hội của các em.

Ông Hiển giải thích thêm: Lần đổi mới này, thiết kế các môn học sẽ phù hợp với đặc trưng riêng từng lĩnh vực giáo dục, ví dụ Ngữ văn không chỉ là khoa học, cảm thụ… về văn mà còn chú trọng giúp học sinh sử dụng văn học, tiếng việt cho tốt; ngoại ngữ là nghe, nói, đọc, viết phải tốt. Tin học vừa phải có khoa học máy tính từ đơn giản đến phức tạp, coi trọng cách nghĩ cách làm cách giải quyết vấn đề của tư duy tin học và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông.

Điểm mới thứ tư là hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, không phải xem khả năng các em đến đâu mà nay đánh giá để giúp các em vượt qua khó khăn, làm cho các em học được và thích học.

Chương trình hiện hành đang làm "nhiều cái mới"

Điểm mới thứ năm là cách thức thực hiện chương trình.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. (Ảnh: Văn Chung).

Trước đây chương trình cũ thiết kế xong, viết xong SGK mới mang ra dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Vì vậy thời gian thử nghiệm dài, thử nghiệm tất cả các nội dung, thời gian thử nghiệm dài, thử nghiệm cả cái không cần thử nghiệm nên dàn trải, không có điều kiện tập trung vào cái mới và khó nhất. 

Lần này sẽ thực nghiệm những gì khó, mới, tập trung vào đó để đỡ tốn thời gian, có điều kiện tập trung hơn. Việc thực nghiệm đã tiến hành ngay trong thiết kế chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, một số điểm mới của diện mạo chương trình giáo dục phổ thông được giới thiệu trong dự thảo trong thực tế đã được thử nghiệm. Chẳng hạn dạy tích hợp, trải nghiệm sáng tạo, sử dụng nhiều sách giáo khoa.

Cụ thể, ở mô hình "trường học mới" đã thực thi ý tưởng "có nhiều SGK. Các lĩnh vực được tích hợp thành môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên đã được thực hiện tốt ở các trường thực nghiệm và sẽ nhân rộng nhiều hơn trong năm học 2015 - 2016.

Việc dạy học coi trọng trải nghiệm sáng tạo ta đã làm với các chương trình dạy theo dự án, dạy làm nghiên cứu khoa học, dạy học bằng di sản hay mô hình nhà trường vườn chè, nhà trường vườn đào, nhà trường du lịch, nhà trường trang trại …

Ít nhất 90% nhà trường thực hiện được

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định với điều kiện hiện nay khi áp dụng chương trình, SKG mới thì  90%-95% nhà trường đã đủ điều hiện thực hiện được ngay.

"Tất nhiên phải cố gắng thêm, giáo viên phải bồi dưỡng thêm, phải đổi mới quản lí của nhà trường, cơ sở vật chất phải được cải thiện dựa trên cái có sẵn".

“Phải đồng loạt triển khai áp dụng chương trình và SGK mới từ 2018, nhưng triển khai ở những mức độ khác nhau ở từng trường khác nhau chứ không phải giống nhau ở mọi trường. Trước đây, không phải vậy” – Thứ trưởng cho hay.

Nhà trường phải được tự chủ

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc nhà trường phải được tự chủ về quản lí nhiệm vụ, nhân sự, tài chính. Có như vậy mới chủ động thiết kế các chương trình dạy học trải nghiệm khác nhau, sắp xếp các nhóm học sinh khác nhau.

“Mấy năm qua ta đã giao quyền tự chủ cho các trường và họ làm tốt, có nơi làm rất tốt. Đây là việc làm tự nguyện. Nhiều trường xin đăng ký tham gia” – Thứ trưởng cho biết.

Ông Hiển nhấn mạnh:  "Cán bộ quản lí, giáo viên cũng phải bồi dưỡng, phải có tầm nhìn, đặc biệt là phải thay đổi cách thức nhìn nhận vấn đề về giáo viên. Lúc đầu họ có thể chưa tốt nhưng dấu hiệu tốt sẽ được nhân lên dần chứ không cầu toàn ngay. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nói chung là việc lâu dài, nhưng khi thay sách sẽ có bồi dưỡng trực tiếp. Khi dùng sách rồi vẫn phải tiếp tục bồi dưỡng để giáo viên làm tốt hơn nhiệm vụ của mình” – Thứ trưởng cho biết.

  • Văn Chung (ghi)