Hàng trăm độc giả gửi ý kiến xung quanh câu chuyện chàng thủ khoa nghèo Trường ĐH Y Hà Nội và mong muốn được tạm hoãn việc nhập ngũ để đi học đại học ngay, giúp gia đình trả món nợ gần 100 triệu.

Ngay sau khi bài viết về gia đình khó khăn của thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến, VietNamNet đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả. Ngoài những chia sẻ, mong muốn giúp đỡ gia đình Tiến, câu chuyện thủ khoa nghèo và việc muốn được tạm hoãn việc nhập ngũ để đi học đại học thu hút được những ý kiến trái chiều.

 

{keywords}

Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Tiến, mẹ em và em trai Nguyễn Hữu Tiền lo lắng vì việc Tiến có thể phải bảo lưu kết quả thi đại học, đi nhập ngũ ngay. (Ảnh: Văn Chung).

Người giỏi, môi trường nào cũng giỏi

Theo Thông tư 13 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng, trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Bạn đọc có địa chỉ email bsvantuyet@... cho rằng: “Tôi thấy nhiều bài báo nói về vấn đề này quá và cả cách kể lể nỗi khó khăn của gia đình em Tiến như thế cũng không nên. Làm sao mà học xong 6 năm, ra trường lại trả món nợ thế được, nghe như thế thì đang buồn cho hoài bão của tuổi trẻ.

Quân đội là trường đào tạo con người lý tưởng nhất, em Tiến đừng nên đưa vấn đề ra nữa mà nên tuân thủ pháp lệnh NN. Đã là người giỏi thì ở môi trường nào và lúc nào cũng có cơ hội thể hiện và luôn có tương lai tươi sáng. Chúc em tự tin và hành động đúng”.

Bạn đọc Trần Tiểu Chung phân tích: “Em học giỏi đấy, 29,5 điểm đại học Y đấy, nhưng mà quy định thì vẫn là quy định. Đó là sự uy nghiêm của luật pháp. Hơn thế nữa đi nghĩa vụ góp phần thể hiện tinh thần yêu nước của em. Có tài thì phải có đức,...”

“Nếu ai cũng nêu lý do gia đình khó khăn, xin hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự thì ai là người đáng để đi. Gia đình nào cũng có những khó khăn nhất định. Chúng ta không nên nêu ra lý do này, lý do khác. Liệu rằng sau khi tốt nghiệp các bạn có dám làm đơn tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự không? Thanh niên chúng ta nên học hỏi các bạn thanh niên Hàn Quốc. Cho dù bạn là ai, đến tuổi đều phải lên đường nhập ngũ” – bạn Trần Thanh Tuấn nêu quan điểm.

Bạn Đỗ Anh Tuấn thì ngắn gọn: “Nghĩa vụ với Tổ quốc là trên hết, nên không có lý do gì thoái thác được”.

Từ kinh nghiệm thực tế, bạn đọc Hà Huy Phương đưa lời khuyên: “Cháu Tiến không nên hoãn nghĩa vụ quân sự. Đi 2 năm về học không sao, có thể còn tốt hơn nhiều. Tôi đã rơi vào hoàn cảnh của cháu”.

“Thực sự rất khâm phục ý chí cũng như tài năng của em. Nhưng nếu như thế này thì em có phải chăng đang làm khó gia đình mình. Nếu gia đình khó khăn thì trước hết phải giúp gia đình trước đã.

Làm nghề Y rất khó, phải học hỏi rất nhiều, giờ Y đức đang là vấn đề xã hội phản ánh rất nhiều. Xã hội cũng cần có nhiều bác sĩ giỏi. Nhưng cần hơn cả là những bác sĩ tâm huyết với nghề, những bác sĩ xem bệnh nhân như người nhà của mình làm việc không phải chỉ vì tiền.

Chỉ sợ sau này em lại vướng vào vết xe đổ của họ. Muốn học trước hết em phải được yên tâm đã. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để những tài năng như thế này có thể phát huy được hết khả năng của mình” – bạn đọc Linh Tào gửi nhắn nhủ đến Tiến và gia đình.

Bạn đọc Hoàng Thị Sâm phân tích: “Tiến thực hiện nghĩa vụ là tốt nhất, vì thứ nhất chấp hành nghiêm pháp luật, thứ 2 trong 2 năm trong quân ngũ Tiên được Nhà nước nuôi, bố mẹ chỉ phải lo cho em Tiền thôi. Khi Tiến chấp hành nghĩa vu xong thì lúc ấy Tiền có thể làm thêm để giúp anh và gia đình. Vậy giải pháp Tiến di bộ đội là tốt nhất. Nếu lấy lý do nhà nghèo, nhưng hoc giỏi để tránh đi nghĩa vụ là ngụy biện trốn tránh trách nhiệm.....".

Nên tạo điều kiện cho Tiến đi học

“Chính quyền hãy tạo mọi điều kiện để cháu Tiến được đi học. Trước là sớm trả nợ gia đình, sau là đóng góp cho xã hội” – bạn đọc Nguyễn Ích Phi Sơn nêu quan điểm.

Cùng chung suy nghĩ, bạn Nguyễn Thị Minh phân tích: “Đi bộ đội là nghĩa vụ và quyền hạn đối với người công dân nước Việt Nam. Nhưng trong trường hợp này Nguyễn Hữu Tiến là một học sinh nghèo biết tự vươn lên trong học tập lại có suy nghĩ hiếu thảo và trách nhiêm với gia đình. Trong xã hội hiên nay với tầng lớp thanh niên bây giờ thât khó và hiếm. Thiết nghĩ rằng với em dù ở bất cứ nơi đâu em cũng là cống hiến. "Đi học là yêu nước". Hãy cùng nhau ủng hộ cho em đi học. Hãy cho tôi biết địa chỉ cua em .xin chân thành cám ơn”.

“Đọc&ngẫm hoàn cảnh sự việc qua thực tế, cũng rất thán phục và hy vọng cùng đáng yêu cậu học trò nghèo ham học và học giỏi. Chúng tôi cũng rất kính mong những cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện nếu có thể cho có tình có lý để những cố gắng của thế hệ tương lai nói chung và em Tiến nói riêng có những kết quả tốt đẹp nhất. Học và nghĩa vụ quân sự đều là điều ý nghĩa của nhiệm vụ con người có điều cho phù hợp thôi!” – bạn đọc Vi Hồng Trọng sẻ chia nỗi niềm.

"Gia đình nghèo khó mà có các con học giỏi thật là đáng khâm phục, việc phải nhập ngũ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên tôi thấy: Việc các em học giỏi và cống hiến cho xã hội bằng trí tuệ cũng là điều phải bàn, chỉ tiêu nhập ngũ hiện không lớn, vì vậy chính quyền địa phương cũng nên có những vận dụng linh hoạt cho những trường hợp đặc biệt.

Nên để cho em Tiến nhập học rồi thực hiện nghĩa vụ quân sự sau (nếu thực sự cấp thiết), Nhân tài là nguyên khí Quốc gia, nên tạo điều kiện cho em cống hiến cho XH bằng trí tuệ (cái không phải ai cũng có thể làm)” – bạn đọc Linh Tài nêu quan điểm.    

Bạn đọc Nhân Hòa cho rằng: “Trung tá Nguyễn Trí Thanh – Phó Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa, ông Lê Ngọc Thanh – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Phương Tú có thể coi là những người có tâm, có tầm. Chính sách là của con người, thực thi cũng do con người. Những xử lý ích nước, lợi dân, vui lòng đương sự, luôn đạt hiệu quả cao nhất. Đấy là "siêu chính sách". Anh em nhà thủ khoa Tiến, có chí, vượt đói nghèo , học giỏi... là điều kiện cần cho nguyên khí quốc gia. Nên tạo cơ hội cho các em bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân theo cách mà các em và gia đình mong ước”.    

Tương tự, bạn đọc Nam Việt cũng đồng tình cho rằng: “Việc Thông tư 13 ra đời là hoàn toàn đúng về mặt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên vận dụng như nào đó mới la vấn đề quan trọng. Việc xử lý như BCH quân sự Ứng hòa là hoàn toàn nhân văn. Nếu ở đâu cũng như thế này thì đất nước mà mọi người dân luôn được công bằng, dân chủ, văn minh”.

“Đất nước trong thời bình, đề nghị Ban chỉ huy quân sự để 2 em Tiến, Tiền tạo điều kiện để 2 em đi học đại học .Đất nước cần những mầm ươm như các em. Thiết nghĩ, xã hội đầy rẫy thanh niên tóc xanh, tóc đỏ, săm trổ đầy người, sao lại để chúng tác oai, tác quái lại đi làm khó dễ đối với các em hoàn cảnh gia đình khó khăn, ham học như vậy” – bạn đọc tên Hùng phân trần.  

Đề xuất cho vào Học viện Quân y

Khá nhiều trong số các ý kiến gửi về VietNamNet mong mỏi Bộ Quốc phòng có thể tạo điều kiện để Nguyễn Hữu Tiến có thể được vào học Học viện Quân y để vừa rèn y đức và tác phong người lính.

“Việc này khó gì đâu. Vận dụng linh hoạt cho e ấy đi học ở Học viện Quân y là được. Cũng vẫn là học đại học, vẫn trở thành bác sĩ. Điểm thi của em ấy cao như vậy là đủ điều kiện vào học Học viện quân y rồi. Trước mắt, học ở Học viện quân y, em ấy ko phải lo ăn ở, sau này ra trường thành bác sĩ quân y. Vẹn cả đôi đường!” – bạn đọc Nguyễn Thành đưa giải pháp.

Bạn đọc Nguyễn Tuấn gửi nhắn nhủ: “Xin đồng chí Phùng Quang Thanh cho đặc cách sang học bác sĩ hệ quân sự ở Học viện Quân y”.     

Bạn đọc Nguyễn Nhàn cũng cho rằng: “Em thi đỗ thủ khoa nhưng sau 6 năm đèn sách ai nuôi em và nuôi em ăn học nếu ra trường em không là thủ khoa thì công ăn việc làm của em cũng rất khó khăn. Tôi thiết nghĩ em nhập ngũ liên hệ bên quân đội xem có học được ở Học viện Quân y không thì em mới có cơ hội giúp gia đình vì em còn 1 người anh em sinh đôi cũng đỗ đại học thì nên để gia đình nuôi người này còn em nếu được có chế độ quân nhân”.      

Bạn đọc Bình Hoàng phước đưa gợi ý: “Theo tôi, cháu Tiến nên làm đơn gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xin nhập ngũ và xin vào học Học viện Quân y ngay từ năm học này. Tài năng của cháu sẽ được phát huy không lãng phí và Quân đội cũng sẽ được sử dụng một bác sĩ giỏi trong tương lai. Vừa đúng nguyện vọng vừa đúng pháp luật, hợp tình hợp lý mà tôi tin rằng một suất học ở Học viện Quân y cho một thủ khoa Dân y chẳng phải là điều quá khó”.         

Văn Chung (tổng hợp)