- Quê hương - nơi chôn nhau, cắt rốn. Quê hương - nơi khắc ghi nguồn cội mỗi kiếp người. Và quê hương, cũng chính là nơi níu giữ tâm hồn của những người con xa xứ…

Cũng như bao người khác, Lê Văn Vọng dù đã “một đời xa quê” nhưng vẫn luôn đau đáu trong tâm trí hình ảnh của một làng quê nghèo ven biển. Hình bóng những căn nhà mái lá xác xơ, bãi cát dài ngập ngụa trắng phau của cái làng Đa ngày ấy. 

Nó như luôn day dứt, cồn cào. Nó như âm thầm nhưng giữ dội, sục sôi, thôi thúc tâm hồn mỗi khi ông cầm bút. Và có lẽ cũng chính từ nghĩa tình quê hương vời vợi ấy, chính cái day dứt âm ấm ấy… đã tạo nên một “Lê Văn Vọng của làng Đa”. Những nghĩa tình mà ông đã dùng văn chương, dùng tâm hồn của một nhà văn mượn câu chữ để trải lòng mình, để khát khao, để gọi to hai tiếng “quê hương!”. Chính cái tình yêu quê hương cũng như tình nghĩa của con người ấy đã khiến cho chúng ta cảm thấy ấm áp hơn, gần gũi và hạnh phúc hơn khi đọc những truyện ngắn của ông.

{keywords}
Tác phẩm mới nhất của nhà văn, nhà thơ Lê Văn Vọng

“Chưa đến mùa thu” quả thực là một sự tích hợp của tình yêu quê hương và lòng nhân ái. Chạy suốt cả tập truyện, chúng ta thấy hiện lên rõ nhất là sự nhân nghĩa, cái nhân nghĩa mà người viết đã tích cóp, chắt lọc từ chính tình quê trong sâu thẳm của tâm hồn.

Khi nói đến nghĩa tình với mảnh đất nơi mình được sinh ra, Lê Văn Vọng đã khiến cho người đọc thật sự thấy thỏa mãn bằng những kết tinh của sự tinh tế trong cách xây dựng nhân vật cũng như những vận hành tư duy mà ông đã dồn nén để thổi vào cho từng nhân vật. Những nhân vật như sự hiện hữu cho mỗi con người hay cho chính người cầm bút. Nhân vật Hoàng Hùng trong truyện ngắn “Đất làng”, nhân vật Lê trong “Bến sông quê” hay nhân vật tôi trong “Căn nhà xưa yêu dấu”… chính là những điển hình cụ thể mà tác giả đã dày công xây dựng. Ở họ, cái tình quê không bao giờ phai nhạt dù đã từng phiêu dạt trên nẻo đường đời. Mỗi người một công việc, mỗi người một cuộc đời… 

Dù họ là một ông cán bộ cấp Tỉnh, một người lính xa nhà hay là một người công nhân tha hương cầu thực… thì ở họ, nghĩa tình quê hương vẫn luôn rất đỗi thiêng liêng và cao cả đến vô cùng. Làng Đa - cái làng mà người đọc có thể sẽ dễ dàng nhận ra được chính là nơi tác giả đã được sinh ra, chẳng phải thế mà làng Đa đã được nhắc đi nhắc lại, được miêu tả sâu sắc đến tỉ mỉ và in đậm trong gần như trong cả tập truyện ngắn này. Từ ước mong của vị Phó chủ tịch tỉnh Hoàng Hùng khi nằm xuống được đưa về nghĩa trang làng Đa. Rồi đến người lính xa nhà có tên Lê được quay về với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp ở làng Đa. Bố con Đức cũng trở về với làng Đa, nhân vật tôi cũng sống với những thao thức làng Đa. Và còn rất nhiều, rất nhiều những khát khao cháy bỏng nữa… 

Đây có thể coi là tình quê mà Lê Văn Vọng đã luôn đau đáu suốt một đời cầm súng và cầm bút. Để đến bây giờ, ông đã dùng văn chương để gửi gắm tâm hồn, gửi gắm những khát khao. Hình ảnh ông Hoàng Hùng trong “Đất làng” như một ví dụ điển hình của một con người giản dị “rất quê” ấy: “Là cán bộ cấp cao có nhiều thành tích công lao, song ông luôn sống khiêm tốn, giản dị, chân thành với mọi người. Gia đình ở ngoài thành phố nhưng những năm cuối đời dù tuổi đã cao ông vẫn thỉnh thoảng về thăm quê, chuyện trò với bà con trong làng, dành dụm lương hưu mua quà biếu những người ốm đau, già yếu. Người làng Đa luôn tự hào hãnh diện về ông…”. 

Người làng Đa luôn tự hào hãnh diện hay chính tác giả đã tự hào hãnh diện? Đây thực sự là một hình mẫu của nhân vật đặc trưng mà tác giả đã cố công xây dựng với niềm phấn khích đến tuột độ về những người con xa xứ như chính bản thân ông. Và khi sự phấn khích được nâng lên đến một đỉnh điểm nào đó, tác giả đã không ngần ngại dùng chính lời nói của mình để “mớm” vào tư duy của bà con làng Đa một suy nghĩ về những người con xa xứ của quê mình: “Thử hỏi làng trên xã dưới biết bao người ra đi, khi chiến tranh hay trong hòa bình, có ai “lên to” được như ông?”. Một câu hỏi đầy ẩn ý, nửa như tự hào, nửa như muốn nhắc nhở những người con đã và đang tha hương cầu thực.

Nói đến đây, tôi lại nhớ tới câu thơ của Nguyễn Hồng Minh: “Nhắn ai dẫu có đi xa/ Đồng quê khói bếp vườn nhà đừng quên”. Lời nhắc nhở của thi ca tưởng chừng đơn giản nhưng thật thú vị và chân tình…

Phải nói rằng, tình nghĩa quê hương trong những truyện ngắn của Lê Văn Vọng như hồn cốt của tính nhân văn trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Đọc truyện ngắn của Lê Văn Vọng, chúng ta như được chiêm nghiệm, như được sống lại tuổi thơ, như được trở về với chính quê hương mình để sống cùng với những kỷ niệm đầu đời của thuở thiếu thời mênh mang ấy. Như được gửi gắm mình về miền quê dấu yêu ấy - nơi mỗi con người chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng bằng dòng nước mát, bằng hơi ấm của lòng mẹ, hơi thở của đất làng; bằng nơi mà một phần thân thể ta đã hóa vào lòng đất ngay từ lúc cất tiếng khóc chào đời… Cái nghĩa tình ấy quả thực sâu đậm, chân chất nhưng vô cùng triều mến, thiêng liêng.

{keywords}
Nhà văn, nhà thơ Lê Văn Vọng

Cũng từ cái tình quê ấy, Lê Văn Vọng đã thật thà viết, thật thà kể, thật thà miêu tả và thật thà thể hiện những giá trị của đất quê mình. Để từ đó, ông khéo léo lồng ghép những phẩm chất cao đẹp của người lính, của người con đất Việt vào từng câu, từng chữ… Đó là sự thật thà của lòng thương mến, là cái nghĩa tình cao cả của mỗi con người, là lòng vị tha nhân ái, là cốt cách cao đẹp của người Việt Nam được thể hiện bằng ngôn ngữ, bằng hình tượng văn chương như chính giá trị cốt lõi mà nó mang lại: “Văn là Người”.

Hầu như xuyên suốt cả tập truyện “Chưa đến mùa thu”, không có câu chuyện nào tác giả không nhắc đến quê hương mình và tình yêu khắc khoải. Dù bằng cách này hay cách khác, dù bằng cách kể trực tiếp hay dán tiếp, các miêu tả rõ ràng hay mượn lời nhân vật tác giả cũng luông thể hiện sự nặng lòng. Điều đó đã cho thấy tình quê đối với người lính xa nhà, một đời cầm súng, cầm bút như Lê Văn Vọng nó sâu sắc đến nhường nào. 

Không phải chỉ riêng có “Đất làng, Bến sông quê, Khách quê, Chuyện làng Văn Hà hay Căn nhà xưa yêu dấu” mà ngay cả trong “Chưa đến mùa thu” - câu chuyện nói về một tình yêu đến muộn nhưng vô cùng tươi đẹp, vô cùng xúc động của một người lính làm kinh thế và cô kỹ sư lâm nghiệp trên vùng đất khô cằn sỏi đá ấy, tác giả cũng đã khéo léo đưa cái miền quê cát trắng của ông xen vào chuyện tình của hai người qua lời kể của nhân vật: “Theo Khái nói, anh ở vào cái vùng hẹp nhất trên bản đồ Tổ quốc… 

Người dân ở đây sống vất vả lắm, quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn. Cát đằng trước, cát đằng sau, cát bên phải, cát bên trái… quay đầu cũng gặp cát. Cát trắng sáng cả một quãng dài. Nền nhà cát lội ngập bàn chân. Một cơn nồm, cát rê lên phủ dày trên mái nhà. Cát vào bữa ăn, cát trong giấc ngủ; thế mà người em gái của anh trên bốn mươi tuổi vẫn không bỏ được cái xứ cát khô nóng đó mà đi. Anh viết về hai lá thư, em gái anh trả lời bốn lá. Bốn lá thư chỉ thanh minh có một điều tại sao không thể bỏ quê được…”.

Đúng là, tình quê sâu nặng đến vô cùng. Hai tiếng “quê hương” với Lê Văn Vọng thực sự không còn đơn thuần là một vùng đất ông được sinh ra, vùng đất như mọi vùng đất khác với ý nghĩa giản đơn là để cho con người ta sinh sống và làm việc, mà với Lê Văn Vọng, nó đã thực sự trở thành hồn cốt, là máu thịt, là khúc ruột mềm ghi khắc tự tâm hồn. Từng trang viết, từng con chữ của Lê Văn Vọng như mang đậm sự mặn mòi của miền cát trắng quê ông. “Dải đất hẹp nhất trên bản đồ Tổ quốc” ấy vậy mà “Cát đằng trước, cát đằng sau, cát bên phải, cát bên trái…”… 

Khó khăn vất vả là vậy nhưng con người vẫn không thể nào rời bỏ quê hương. Đó thực sự là nỗi khắc khoải, là trăn trở khát khao của người con xa xứ như ông. Yêu quê đấy, nhức nhối nhớ thương đấy… nhưng chỉ biết đặt nghĩa tình quê ấy vào con chữ, vào những câu chuyện và vào tâm hồn từng nhân vật của sự hiện thân.

Bên cạnh những canh cánh nặng lòng vì quê hương, vì dải đất hẹp ngập tràn cát trắng và sự mặn mòi của biển ấy, Lê Văn Vọng còn rất thành công khi đem đến cho người đọc những câu chuyện với những cái kết bất ngờ nhưng đầy nhân nghĩa, sự nhân nghĩa mà chỉ có lòng nhân ái, lòng vị tha của người Việt Nam mới có được. Đó là những cái kết đầy tính nhân văn. Những cái kết mà tác giả đã phát huy tối đa giá trị của văn học để thể hiện, để đem đến cho người đọc. Những cái kết truyện vừa cao đẹp, vừa sang trọng mà nhân văn sâu sắc. Đó là trái tim của một người vợ như tứa máu, nhói đau khi biết rõ bệnh tình của chồng mình và cô đã thốt lên: “Trời ơi, mười năm sống chung với Cường mà bây giờ tôi mới hiểu anh. Lâu nay tôi quan tâm cái gì mà vô tình, thờ ơ trước cuộc đời anh, một người lính chịu nhiều nỗi đau mất mát. 

Tôi đâu biết cái bề ngoài trông lành lặn của anh lại ẩn náu bên trong bao nhiêu bệnh tật. Nó gặm nhấm, hủy diệt cuộc đời anh từng ngày, từng ngày mà không cách nào chữa nổi… Cuộc đời anh, cái phần lõi sống chiến tranh đã cướp mất, anh không còn hạnh phúc được làm bố, anh chỉ có niềm vui bé nhỏ làm chồng. Thế nhưng nào đã trọn vẹn… Tôi là một người đàn bà yếu đuối, tôi đâu dễ trả lời. Nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ không để anh một mình bước vào trận đánh cuối cùng” (Trận đánh cuối cùng của người lính). Quả là một cái kết hội tụ được đầy đủ những giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” của văn chương cũng như trong cuộc sống. Hay tiếp đó là trong truyện ngắn “Hoàng họa sĩ”, Lê Văn Vọng cũng đã đưa đến một cái kết thúc đầy bất ngờ (chưa nói là có vẻ trái ngược với cuộc sống mà giá trị kim tiền đang ngự trị như hôm nay) nhưng vô cùng cao đẹp bởi tâm hồn của những người nghệ sĩ - những người mà vẫn ngày đêm cày ải trên cánh đồng nghệ thuật với cái tâm trong sáng đến thật thà. 

Câu trả lời của anh chàng họa sĩ Hoàng trong truyện ngắn với người lính bên kia chiến tuyến năm xưa (người mang ơn cứu mạng của anh) đã làm toát lên tất cả những phẩm chất cao quý của người Việt Nam nói chung, người lao động nghệ thuật nói riêng: “Cảm ơn ông nhưng tôi nghĩ không cần. Việc ông dành nhiều thời gian, tâm huyết bồi dưỡng cho các tài năng toán học Việt Nam đã thể hiện tấm lòng của ông đối với tương lai khoa học của đất nước tôi, làm tôi rất vui rồi…” (Hoàng họa sĩ). Đó, cái ơn cứu mạng khi được người ta đền đáp người họa sĩ Hoàng đã nhận như vậy đó. Nó chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nó như là tiếng nói chung cho tất cả mọi người…

Còn rất nhiều những tình yêu, tình cảm, những bất ngờ và cả những giá trị nghệ thuật, tính nhân văn sâu sắc mà Lê Văn Vọng đem đến cho người đọc thông qua tập truyện ngắn “Chưa đến mùa thu” mà ở trong bài viết này tôi không thể nào liệt kê hết được. Tôi chỉ có thể nói rằng, gói gọn trong “Chưa đến mùa thu” là những tình quê, tình người, tình nghĩa, lòng nhân ái và giá trị nhân văn… đã được Lê Văn Vọng - một người lính vừa cầm súng, vừa cầm bút đã đem lại cho văn học hôm nay. Và cũng có thể coi đó là sự nặng lòng, là tiếng gọi “quê hương” thao thiết của Lê Văn Vọng, của những người con xa xứ, của những người đang sống cảnh tha hương. Tiếng gọi “quê hương” vừa gần gũi, thiêng liêng. Tiếng gọi “quê hương” vừa tha thiết ân tình… là tất cả những gì mà chúng ta luôn trân trọng.

Xuân Hùng