Nghệ sĩ thờ ơ hay bất lực?

Luật quốc nội và luật quốc tế đã quy định tương đối chặt chẽ về quyền tác giả âm nhạc đối với ca khúc nước ngoài, vì sao thực trạng vi phạm vẫn diễn ra mỗi ngày? Nguyên nhân phổ biến nhất là các tổ chức, cá nhân chưa thật sự hiểu rõ quy định của pháp luật cũng như chưa có ý thức tôn trọng quyền tác giả. Nghệ sĩ phát biểu liên quan đến quyền tác giả cho thấy hiểu biết hạn hẹp, chủ quan, không dựa trên luật và luôn lẫn lộn các khái niệm, đối tượng, phạm vi điều chỉnh.

LS Phan Vũ Tuấn nói, không chỉ cá nhân, tổ chức vi phạm mà ngay chính chủ thể quyền là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa thực sự ý thức tốt trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì điều này, họ có xu hướng e ngại trong việc xử lý hành chính hay khởi kiện theo thủ tục tố tụng để tự bảo vệ mình.  

{keywords}
Nhiều ca sĩ trẻ tận dụng nhạc ngoại đi diễn để duy trì sự nghiệp.

Về khách quan, thị trường âm nhạc Việt Nam giàu tiềm năng nhưng chưa vận hành như một thị trường đúng nghĩa. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, không khó hiểu việc người thụ hưởng chưa hình thành thói quen trả phí, ca sĩ càng khó sống chỉ với nghề. Ca sĩ/nhạc sĩ Thanh Bùi nói: “Sự khác nhau mấu chốt giữa nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam là phần lớn thu nhập của họ từ tài năng của chính mình thay vì từ nhãn hàng”.

Một thị trường chưa phát triển hoàn thiện rất khó hình thành tư duy và ý thức tôn trọng quyền tác giả. Môi trường khách quan chưa đảm bảo điều kiện để nghệ sĩ và các bên liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Một quản lý ca sĩ xin giấu tên cho biết ca sĩ trẻ vừa vào nghề không có show, khó kiếm thu nhập nên thường đi diễn bằng ca khúc nước ngoài để bám trụ nghề và đầu tư cho sản phẩm sáng tạo. Một số khác không còn trẻ để phát triển chọn hát cover duy trì hoạt động cũng như thỏa đam mê. “Vì vậy, nên đứng từ góc độ ca sĩ để hiểu cho họ”, anh này nói.

Siết chặt vấn đề quyền tác giả để có một thị trường đúng nghĩa

Từ vấn đề ý thức về quyền tác giả của showbiz Việt và người thụ hưởng, luật sư Tuấn cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức, góp phần điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, các cán bộ quản lý và của người dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan đến quyền tác giả.

Thực tiễn cho thấy thị trường Việt Nam càng tăng cường hợp tác quốc tế, sự vi phạm quyền tác giả càng giảm. Đơn cử, Universal Music Việt Nam (UMV) hiện sở hữu bản quyền đối với toàn bộ bản ghi của các ca khúc do Universal Music Group (UMG) phát hành. “Mọi hành vi sử dụng bản ghi các ca khúc do UMG phát hành tại Việt Nam phải có sự đồng ý của chúng tôi. Chẳng hạn, chương trình, doanh nghiệp nào phát bản ghi ca khúc Happy new year của ABBA không xin phép, chúng tôi có thể khiếu nại bản quyền trên nền tảng số đồng thời nhờ cơ quan chức năng xử lý”, người đại diện nói.

{keywords}
Bài "Thiên hạ hữu tình nhân" (bài gốc: Thần thoại, tình thoại; st: Châu Hoa Kiện) ăn nên làm ra, Juky San tung tiếp bản đặc biệt song ca cùng Đan Trường.

Luật sư Tuấn cho rằng sự xuất hiện của các đơn vị, hiệp hội như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Liên đoàn công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI), Liên đoàn các nhà soạn nhạc và lời Quốc tế (CISAC),… khiến việc mua bán bản quyền âm nhạc dễ dàng hơn, đồng thời họ sẽ sát sao vấn đề quyền tác giả. Quan trọng là ý thức của các nhà tổ chức biểu diễn ở Việt Nam phải theo kịp tư duy tôn trọng bản quyền như quốc tế. Ông nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức của người dùng, nhận thức của chủ sở hữu quyền. Khi đã tạo ra cơ chế rõ ràng, minh bạch sẽ thúc đẩy các hoạt động của các tổ chức này hiệu quả hơn.

Cuối cùng, cần tạo ra tiền lệ xử lý vi phạm quyền tác giả đối với ca khúc nước ngoài. Các ồn ào tranh chấp quyền tác giả đối với ca khúc nước ngoài xảy đến với Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh, Bảo Anh,… dù không đi đến đâu vẫn khiến giới ca sĩ lo ngại, dè chừng. Hơn nữa, Việt Nam hiện chưa có bản án hay quyết định xử phạt nào cho trường hợp này làm tiền lệ.

"Các ca sĩ sẽ thấy họ mất rất nhiều tiền bạc, uy tín và thời gian để giải quyết hậu quả nếu xảy ra tranh chấp. Chỉ như vậy mới xóa được tâm lý "vùng trắng" bản quyền đối với nước ngoài có từ thời mạng xã hội chưa phát triển, thế giới chưa hội nhập trong showbiz. Bên cạnh đó, khi khán giả đã "đóng đinh" rằng ca sĩ chuyên vi phạm bản quyền thì việc lấy lại "lý lịch" sạch là điều hết sức khó khăn”, nhà phê bình âm nhạc Quang Long nêu.

Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi hát 'Chỉ là không cùng nhau' (bài gốc: Thời không sai lệch; sáng tác: Ngải Thần):

Gia Bảo

MV mới của Sơn Tùng bị gỡ do vấn đề bản quyền?

MV mới của Sơn Tùng bị gỡ do vấn đề bản quyền?

Khán giả nhận thông báo "video không khả dụng" khi truy cập. MV "Chúng ta của hiện tại" bị kênh GC báo cáo vi phạm bản quyền.