Áp lực khi hát “Khúc tráng ca biển” 

- Lần thứ hai tham gia Điều Còn Mãi, anh thấy sao?

Khi nhận được lời mời từ VietNamNet, tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi thấy áp lực hơn một chút nhưng đã bớt hồi hộp so với lần đầu tiên. 

Đến với Điều Còn Mãi năm nay, tôi được giao thể hiện tác phẩm “Khúc tráng ca biển”, còn có tên gọi là “Mộ gió” – một tác phẩm rất ý nghĩa của nhạc sĩ Vũ Thiết, từng đoạt các giải thưởng của ca khúc viết về biển, đảo. Đây là tác phẩm tôi rất yêu thích và tôi lấy làm vinh dự khi được giao thể hiện tác phẩm này.

Hiện tại, tôi vẫn đang tập luyện sao cho thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm lại phù hợp với chất giọng của mình nhất.

- “Khúc tráng ca biển” là một tác phẩm rất khó, đòi hỏi cao về kỹ thuật hát lẫn tinh thần, lại hát cùng dàn nhạc giao hưởng, sẽ là thử thách với anh?

Tôi từng có cơ hội làm việc với các dàn nhạc, trong đó có dàn nhạc của Điều Còn Mãi vào năm ngoái. Từ cụm “Khúc tráng ca” trong tên bài đã như là một ca khúc chính ca vậy, đòi hỏi sự thăng trầm trong cách thể hiện. Tác phẩm có độ sâu từ nội dung đến giọng hát, khoe được nhiều yếu tố trong thanh nhạc. Các quãng trầm và những đoạn sau đều rất áp-phê để thể hiện tính giai điệu trong ca từ và nội dung của bài.

- Trên sân khấu Điều Còn Mãi từng có những phần trình diễn đi vào bất hủ. Hồng Nhung hát “Nhớ về Hà Nội” hàng trăm lần và phần trình diễn ở Điều Còn Mãi 2010 lại trở nên ấn tượng vô cùng, tương tự Nguyên Thảo đã ghi nhớ bài “Tình ca” theo cách riêng khi thể hiện ở Điều Còn Mãi. Còn anh, mong chờ gì ở phần trình diễn của mình?

Là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn mình có những tác phẩm gắn liền với tên mình để nhắc đến ca khúc người ta sẽ nhớ ngay đến người hát. Tôi cũng vậy, cũng mong những tác phẩm mình trình bày sẽ được khán giả nhớ đến cùng cái tên Đào Mác.

{keywords}
Đào Mác giản dị trong buổi trò chuyện với VietNamNet.

- Thời xưa, ca sĩ không học hành nhiều như bây giờ nhưng họ hát trong khói lửa, đói kém với tinh thần giản dị, trong trẻo. Đơn cử bản “Những ánh sao đêm” của Ngọc Tân, Vũ Dậu không có những nốt cao hùng vĩ như bản của Trọng Tấn nhưng vẫn mang tinh thần hào sảng tuyệt vời. Theo anh, nghệ sĩ lớp kế cận vì sao lại thiếu điều này?

Nghệ sĩ, nhất là lứa trẻ như tôi, không sống trong thời đó, không trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh của lịch sử mà chỉ được xem qua sách báo, truyền hình. Ở thời đó, các cô chú không học hành nhiều như bây giờ, hát trong bom rơi đạn lửa mà tiếng hát vẫn vang sảng.

Tinh thần ấy tôi và các nghệ sĩ trẻ vẫn luôn trau dồi dù không sống trong thời đó. Hiện giờ, dù cuộc sống có đầy đủ hơn, kỹ thuật thanh nhạc được cải tiến hơn thì chúng tôi vẫn phải giữ tinh thần như vậy.

Nhưng tôi cho rằng, mỗi thế hệ sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Cùng một bài hát nhưng hát trong thời chiến sẽ khác thời bình. Tôi tin rằng dù ở thời nào đi nữa, người hát vẫn phải có nhiệm vụ lột tả và truyền tải được thông điệp của bài hát.

Tôi rất may mắn khi được học thầy Đăng Dương tại ngôi trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi cũng nghe rất nhiều nghệ sĩ đi trước, mỗi người đều có cái hay riêng để học hỏi cho cách hát của mình. Cá nhân mình, tôi thần tượng NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên, thầy Quốc Hưng… họ đều là những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam.

- Nhiều nhận định cho rằng, những người trẻ như Đào Mác, Hà Phạm Thăng Long, Ninh Hoàng Đức Long, Đào Tố Loan… xứng đáng là thế hệ kế nhiệm. Theo anh, người kế nhiệm cần phẩm chất gì?

Cảm ơn anh đã ưu ái cho tôi và các đồng nghiệp. Nếu tôi may mắn được công nhận là thế hệ kế nhiệm, có lẽ đã rất vinh hạnh với mình, đồng thời cũng là một áp lực. Dòng nhạc này đòi hỏi nhiều yếu tố trong giọng hát, học thuật lẫn sự từng trải. Mỗi người nghệ sĩ sẽ có cái hay riêng. Trong tương lai, tôi không thể biết trước điều gì nhưng hiện tại, tôi vẫn đang cố gắng hết mình để xứng đáng hơn với sự công nhận của mọi người.

Không còn thời gian chăm chút ngoại hình

- Giữa một Đào Mác ca sĩ và một Đào Mác giảng viên thanh nhạc có gì khác nhau?

Người ca sĩ trình diễn các tác phẩm trên sân khấu, còn giảng viên, như anh thấy, tôi ngồi bên cây đàn và truyền đạt kiến thức đến các học viên. Hai cách thể hiện có liên quan nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Tôi thấy như nghề chọn mình vậy, dù còn ít tuổi nhưng tôi vẫn phù hợp với công tác đào tạo. Tôi đi trên con đường giảng dạy hôm nay chính là nhờ sự học hỏi từ những người thầy của mình ngày trước.

Tôi nghĩ, một ca sĩ đồng thời là giảng viên, khi đứng trên sân khấu sẽ chỉn chu, chuẩn mực hơn. Ngược lại, một giảng viên đồng thời là ca sĩ sẽ có kinh nghiệm sân khấu, từ đó truyền đạt cho học viên bằng chính thực tiễn họ đã trải nghiệm, vì ngoài kỹ thuật còn có phần biểu diễn cũng rất quan trọng.

{keywords}
Đào Mác được giao thể hiện tác phẩm "Khúc tráng ca biển" của nhạc sĩ Vũ Thiết tại chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi 2019.

- Anh cao gần 1,8m, ngoại hình sáng… nhưng tôi thấy anh chỉ nói về nhạc, không bao giờ chủ trương khai thác lợi thế ngoại hình?

(cười lớn) Như đã nói, vì nghề chọn mình nên hiện tại, ngoài khoảng thời gian ở bên gia đình mỗi khi đi làm về, tôi hầu như chỉ ở bên âm nhạc. Ngoài giảng dạy, tôi phải đi diễn, làm solist cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố.

Tôi cứ dạy suốt, diễn suốt nên hầu như không còn thời gian để khai thác phần ngoại hình của mình. Có thể sau này tôi sẽ nghĩ lại, nhưng bây giờ tôi phải dành quá nhiều thời gian cho âm nhạc rồi. Nhưng tôi nghĩ nếu người nghệ sĩ đứng trên sân khấu đã có thanh lại có “lợi thế ngoại hình” như anh nói chắc cũng đủ rồi!

- Tôi hiểu vì tính chất dòng nhạc mà nghệ sĩ của dòng cổ điển, bán cổ điển và thính phòng khó nổi tiếng như dòng Pop. Nhưng nhiều nghệ sĩ của những dòng này họ an phận đôi khi thờ ơ và đứng ngoài cuộc cái gọi là "người nổi tiếng''. Anh thì sao?

Nhạc thính phòng, cổ điển và bán cổ điển kén người nghe nhưng không đồng nghĩa là nghệ sĩ sẽ không nổi tiếng, nhất là đối với những vị trí top trong dòng nhạc đó. Quan trọng hơn là bạn có độ riêng của mình trong nghề hay không.

Không nghệ sĩ nào là không muốn tên tuổi của mình được ghi dấu trong lòng khán giả cả. Cá nhân cũng muốn vậy chứ, dĩ nhiên điều này còn phụ thuộc vào duyên và hiện tại có thể chưa đến lúc. Nhưng ít nhất, tôi tự thấy đang tạm đủ với bản thân mình. Mỗi người đều biết bao nhiêu là đủ cho mình, và trong thời điểm hiện giờ, tôi được sống, được cống hiến cho nghề, vậy là đã mãn nguyện.

6 năm qua, nhưng tính từ năm 2014, khi tôi vào TP.HCM đến nay, tôi ít nhiều đã gặt hái được những quả ngọt. Tôi đã để lại dấu ấn cho khán giả miền Nam trong các vở nhạc kịch. 

Hiện tại, tôi cứ cống hiến, phát huy hết khả năng của bản thân mình, tiếp tục ghi dấu ấn với khán giả về trình diễn trên sân khấu lẫn công tác giảng dạy. Tôi mong sau này mình có những sản phẩm đáng nhớ về âm nhạc lẫn các học viên của mình.

- Vì sao anh luôn dõi theo, cởi mở với âm nhạc trẻ và đánh giá cao đóng góp của họ? Và ca khúc "Sóng gió" của cặp đôi Jack & K-ICM cũng nằm trong số đó?

Đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm như vậy. Bất kỳ dòng nhạc nào đều có cái hay và cái riêng của nó. Bạn thành công ở dòng nhạc nào cũng đều là thành công trong lĩnh vực nghệ thuật rồi. Bạn có sản phẩm, có khán giả, có bản sắc riêng để khán giả nhớ đến, đó là thành công.

Tôi vẫn luôn luôn cập nhật âm nhạc mới bên cạnh dòng nhạc mình đang theo đuổi. Trái đất vẫn quay, mọi thứ trên thế giới không ngừng phát triển và âm nhạc cũng vậy. Nếu âm nhạc luôn đổi mới bạn cũng phải cập nhật đi chứ.

Tôi còn thường mở các bảng xếp hạng để nghe những bài hát, ca sĩ hot bây giờ để biết âm nhạc đang chuyển hướng đến giai đoạn nào cũng như dòng nhạc của mình đang ở vị trí nào.

Tôi hiểu rằng âm nhạc có sự xoay vòng, dòng chảy sẽ đi tới các thể loại âm nhạc. Tôi không chỉ đã nghe mà còn từng dựng mashup “Sóng gió” với những ca khúc khác theo phong cách mới. Như tôi từng nói, âm nhạc là sự xoay vòng, mỗi một thể loại sẽ có đỉnh cao trong một thời gian nhất định.

Cá nhân tôi thấy đây là ca khúc đánh đúng thị hiếu của người trẻ bây giờ. Nó có màu sắc nhạc nhẹ kết hợp với ngũ cung nhạc dân tộc trong hòa âm phối khí và những đoạn đọc rap, đều là những yếu tố thu hút giới trẻ. Nên việc ca khúc này đạt lượng view cao cũng đúng thôi.

Chúng tôi ở lớp nghệ sĩ trẻ, cũng không ngừng phát triển theo âm nhạc. Chúng tôi luôn cố gắng làm mới những tác phẩm cũ nhưng ở mức độ nào đó vẫn phải giữ lại tinh thần gốc, chứ không thể làm mới toanh mà người nghe không ai hiểu gì.

{keywords}
Tổ ấm nhỏ của ca sĩ - giảng viên Đào Mác.

Từng bị bà xã từ chối lời tỏ tình 

- Gặp trò chuyện với anh, tôi mới biết không chỉ âm sắc giọng anh khi hát rất đẹp mà khi nói còn thu hút hơn. Hẳn là bà xã của anh cũng bị thu hút bởi chất giọng này? 

Bà xã không nói ra nhưng cũng có thể đấy! Sau khi tốt nghiệp ở Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi vào Sài Gòn không lâu thì gặp cô ấy. Đó là ở một quán café, cô ấy ngồi cùng những người bạn. Thấy cô ấy hát, tôi đã lên đánh guitar để hỗ trợ. Cô ấy cũng biết hát lắm. Lúc đó, chúng tôi cũng chỉ là bạn thôi.

Một năm sau, cả hai tình cờ gặp lại nhau, tìm hiểu rồi quen nhau. Tôi nghĩ đó là duyên số. Tôi tỏ tình và bị… từ chối. (cười lớn) Dù khi đó, tôi đoán cô ấy đã có tình cảm với mình rồi nhưng vẫn từ chối. Không sao cả, mình là đàn ông mà, phải chủ động chứ.

Đến bây giờ, bà xã luôn ở bên động viên tinh thần cũng như góp ý về cách hát, phong thái lẫn trang phục của tôi mỗi khi đứng trên sân khấu. Nếu tôi đi diễn, bà xã là người chuẩn bị trang phục cho tôi để chồng lên sân khấu tự tin nhất.

Ngày 31/8, tôi sẽ bay ra Hà Nội để mùng 2 hát cho Điều Còn Mãi. Tôi đang muốn tranh thủ thu xếp công việc để đưa bà xã đi thăm họ hàng trong 4 ngày đó. Bà nội, bà ngoại và các cô dì chú bác của tôi đều ở ngoài Bắc rất nhiều.

- Anh bận đầu tắt mặt tối như thế, chị ấy có phàn nàn anh ít dành thời gian cho gia đình, thậm chí, con gái sẽ lạ bố?

Bà xã tôi rất thương chồng, luôn hiểu tôi đi suốt như thế cũng chỉ cặm cụi vào đam mê của mình. Nhưng thương đến mấy thỉnh thoảng cô ấy cũng hờn dỗi, nũng nịu, phụ nữ mà! Tôi cũng biết do mình mê việc quá, cứ dành cả ngày chạy hết chỗ này đến chỗ kia.

Cháu nhà tôi còn nhỏ, mới 18 tháng nhiều khi sáng bố đi làm con còn chưa dậy, tối bố về con đã ngủ rồi, cứ đều đặn như thế suốt.

Tất nhiên tôi cũng lo việc cháu sẽ lạ bố. Cháu giờ 18 tháng tuổi, cũng đã bắt đầu nhận biết chuyện xung quanh. Mỗi tối, khi tôi về nhà là cháu cứ chạy vòng quanh, như sợ bố đi đâu mất.

Tôi vẫn giữ nhịp độ công việc như thế nhưng bất cứ khi nào trống lịch là tôi chỉ ở nhà với vợ con. Hoặc hôm nào được về sớm, tôi đưa hai mẹ con đi chơi ngay. May mà bà xã đôi khi hay dỗi nhưng vẫn hiểu và thông cảm cho công việc của chồng.

Vợ tôi ở nhà coi sóc nhà cửa, chăm con, lo cơm nước… Tối nào về nhà mọi thứ đều đã tươm tất, sẵn sàng. Nhà là nơi tôi đi đâu cũng chỉ muốn trở về, là tổ ấm – nơi tôi biết có vợ con mình đang chờ. Tôi hạnh phúc và vô cùng may mắn khi có được hậu phương như thế.

Gia Bảo 

{keywords}
 
Điều Còn Mãi 2019 hứa hẹn nhiều mới lạ

Điều Còn Mãi 2019 hứa hẹn nhiều mới lạ

Lần thứ 10 tổ chức, Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi 2019 hứa hẹn sẽ mang lại một chương trình nghệ thuật đẳng cấp và mới lạ cho các khán giả yêu nhạc.