Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào 24/11 được rất nhiều các nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia, văn nghệ sĩ trong cả nước đặt nhiều kỳ vọng về việc "xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới". VietNamNet có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trước thềm hội nghị.

{keywords}
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực được coi là tinh tế, là công cụ quan trọng để truyền đạt, cảm hóa, lan tỏa, làm sâu sắc những giá trị văn hóa của đất nước, dân tộc và con người. Ông đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ sáng tạo này trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay?

Tôi không nói đó là lực lượng quan trọng nhất nhưng nếu không có đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật để làm ra những tác phẩm có giá trị cao thì những vẻ đẹp văn hóa truyền thống không được bảo tồn, không được đời sống hóa một cách sống động nhất và tất nhiên không thể lan truyền những giá trị văn hóa. Có thể nói rằng các văn nghệ sĩ là những người khám phá và tinh kết những vẻ đẹp của đời sống thường nhật, tạo dựng lên thành những vẻ đẹp văn hóa.

Chúng ta đang nói về văn hóa của dân tộc và cần phải hiểu một cách sâu sắc rằng: văn hóa không phải là một giá trị bất động mà luôn chuyển động qua mọi thời đại để cộng vào nó những giá trị mới. Chính vậy, sứ mệnh của văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Lực lượng này không những chỉ là những người lưu giữ, truyền bá những vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà là những người làm ra những vẻ đẹp mới cho văn hóa dân tộc.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, Đảng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Xây dựng hệ giá trị văn hóa là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Theo ông, cần xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới như thế nào?

- Đây là một câu hỏi lớn và tôi hy vọng câu trả lời của tôi có thể chạm vào bản chất của vấn đề này. Hệ giá trị văn học, nghệ thuật trong thời đại mới phải mang một chiều kích mới và dựa trên những câu hỏi lớn của thời đại về hành xử với thiên nhiên, với con người, với sự gắn kết phi biên giới của thời đại công nghệ, với các quan hệ quốc tế đa chiều và tư tưởng, với một nền dân chủ thực sự và những thách thức lớn nội tại của người Việt Nam. Một vấn đề mà tôi muốn nói đến là sự gắn kết những con người có cùng dòng máu Việt và nền tảng văn hóa Việt truyền thống nhưng đang sống trong một thế giới đa chiều với những thể chế chính trị khác biệt.

Nếu một nền văn nghệ thiếu vắng những tác phẩm đáng giá, không có được những tác giả đáng để cho đời sau ngưỡng mộ thì nền văn nghệ đó sẽ đi về đâu trong thời đại này, thưa ông?

- Nền văn nghệ đó sẽ chẳng đi về đâu cả. Nó chứng minh một điều là: lương tâm và trí tuệ của người nghệ sĩ đã mất cân bằng và thiếu hụt ở đâu đó. Nó chứng minh cả sự tù đọng trong tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ và những giới hạn mà người nghệ sĩ không có khả năng vượt qua hoặc không có khát vọng vượt qua.

Hàn Quốc có một nền công nghiệp văn hoá rất phát triển. Nước này từng đưa ra những khẩu hiệu có tính chất dẫn đường cho văn hoá, đó là: “Đường lối để sống còn là phải đứng đầu thế giới, đường lối để tiến tới là khán đài thế giới”. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, họ đưa ra khẩu hiệu đơn giản hơn, đó là: “Toàn cầu hóa”. Ở vị thế Việt Nam hiện nay, khẩu hiệu phù hợp nhất theo ông là gì?

- Người Nhật, và bây giờ là người Hàn Quốc đã có rất nhiều khẩu hiệu khác nhau. Nhưng nằm dưới những khẩu hiệu đó hay có thể nói hạt nhân của những khẩu hiệu đó là lòng "tự trọng dân tộc". Nếu chúng ta hiểu những điều cơ bản về lịch sử của hai dân tộc này chúng ta sẽ nhận ra điều đó. Lòng tự trọng sẽ dẫn họ tới các hành động tử tế và để nâng vị thế dân tộc họ trên thế giới.

Hồi còn học ở Cuba, mỗi khi gặp tôi, những người trẻ Cuba hay hỏi có phải là người Nhật không? Lúc đó nước Nhật là biểu tượng cho khát vọng và giá trị của một dân tộc. Còn đối với Việt Nam, một đất nước với tất cả những gì mà chúng ta thấu hiểu thì theo tôi khẩu hiệu là TỰ TRỌNG DÂN TỘC.

Là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam với những đặc thù riêng, ông có những đề xuất, kiến nghị gì nhằm đoàn kết, tập hợp đội ngũ sáng tác chung sức xây dựng và phát huy giá trí văn hóa, văn nghệ, sức mạnh của con người Việt Nam góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc?

- Vẫn là TỰ TRỌNG DÂN TỘC. Nếu những trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước không mang lòng tự trọng dân tộc thì họ sẽ chẳng viết được những gì có giá trị với con người. Và không có lòng tự trọng dân tộc thì văn nghệ sĩ khó tìm được lý do để tập hợp lại với nhau, tôn trọng cá tính sáng tạo của nhau và cùng nhau sáng tạo vì sự phát triển của dân tộc. Hơn bao giờ hết, các nhà văn nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung phải đoàn kết lại trong mục đích cao cả nhất là vì con người. Một nền nghệ thuật không vì phẩm giá của con người thì là một nền "nghệ thuật của cái chết".

Tình Lê

'Giới trẻ cần trang bị bản lĩnh, sức đề kháng văn hoá tốt'

'Giới trẻ cần trang bị bản lĩnh, sức đề kháng văn hoá tốt'

"Không trang bị một bản lĩnh, một "sức đề kháng" văn hoá tốt, chúng ta sẽ bị những sản phẩm văn hoá độc hại tác động, đối tượng chính ở đây là giới trẻ", ông Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng

Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng

"Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa", ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.