“Tôi đã sốc khi nghe thông tin cây phong ba trên đỉnh Lảo Thẩn bị đốn hạ. Tôi vừa tới đây tham quan, chụp ảnh vào ngày 19 - 20/11. Đây thực sự là địa điểm ấn tượng trong hành trình chinh phục Lảo Thẩn”, chị Hồng Khanh (Hà Nội) chia sẻ.

Sốc, tiếc nuối không chỉ là tâm trạng của chị Khanh mà còn là tâm trạng của rất nhiều du khách Việt khi nghe thông tin cây phong ba Lảo Thẩn “biến mất” đột ngột.

{keywords}

Hình ảnh chị Hồng Khanh chụp bên cây phong ba Lảo Thẩn trong chuyến đi ngày 19 - 20/11 vừa qua (Ảnh:NVCC)

Đại diện phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát xác nhận: cây phong ba trên đỉnh núi Lảo Thẩn đã bị cưa gần sát gốc vào ngày 21/11. Vị đại diện này cũng cho biết, cây đã tồn tại lâu năm. Dù trải qua nhiều diễn biến thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng, cây vẫn có sức sống mãnh liệt. 

Theo điều tra ban đầu, người chặt cây là người dân địa phương. Cây bị đốn hạ bằng cưa xăng, chỉ còn phần gốc cao khoảng 70cm.

Tổ công tác liên ngành bao gồm cơ quan Kiểm lâm khu BTTN Bát Xát, Kiểm lâm huyện Bát Xát, Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND xã Trịnh Tường, Y Tý Tổ đã kiểm tra thực địa sau khi điều tra sơ bộ xác định có 3 cá nhân có liên quan tới vụ việc này.

Hiện tại cơ quan chức năng đã thông báo mời 03 cá nhân lên làm việc với địa phương. Dự kiến buổi làm việc diễn ra vào ngày 24/11 để làm rõ mục đích đốn hạ cây của người dân. Có thể, người dân đốn hạ để làm củi đốt hoặc, có thể do tập quán canh tác cây Xuyên Khung - một loại dược liệu người dân trồng nhiều thế hệ, gây ảnh hưởng tới quá trình bảo vệ, phát triển rừng.

{keywords}

Phần gốc cây trơ trọi còn lại (Ảnh: Sùng A Hờ)

Từng tới chinh phục Lảo Thẩn vào năm 2019 và 2021, chị Huyền Nguyễn (Hà Nội) không giấu được sự tiếc nuối, thậm chí bức xúc khi cây phong ba biểu tượng của Lảo Thẩn bị đốn hạ.

“Vài năm qua, cây phong ba này nổi tiếng với du khách khắp trong nam ngoài bắc, vậy tại sao chính quyền địa phương không có biện pháp bảo vệ? Cây phong ba này không chỉ đẹp mà còn có sức sống phi thường”, chị Huyền chia sẻ.

{keywords}

(Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm)

Đối với những du khách yêu Y Tý như chị Hồng Khanh, cây phong ba này có hình dáng và vị trí rất đặc biệt. Cây có dáng cong cong, hướng về phía mặt trời, phía dưới là biển mây trôi lững lờ, đẹp mắt.

“Du khách di chuyển từ đỉnh xuống các lán nghỉ ngơi có thể dễ dàng bắt gặp cây phong ba này. Đây là điểm nhấn, biểu tượng đẹp của Lảo Thẩn”, chị Khanh chia sẻ.

"Mình thì có niềm tin, cây phong ba này vẫn có thể tiếp tục vươn mình sống dậy vì nó có sức sống rất kiên cường", chị Hồng Khanh lạc quan chia sẻ.

Linh Trang