Tổng đài tư vấn cai thuốc lá miễn phí

Gọi điện đến tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí 18006606 (Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá, bệnh viện Bạch Mai), một người đàn ông khoảng 40 tuổi chia sẻ anh nghiện thuốc lá đã gần 20 năm.

Trung bình mỗi ngày, anh hút từ 1-2 bao thuốc, thậm chí có ngày nhiều hơn do áp lực trong công việc. Anh đã quyết tâm cai thuốc nhiều lần nhưng lần nào cũng thấy cơ thể mệt mỏi, xuất hiện nhiều dấu hiệu như: tiêu chảy, chóng mặt. “Cứ bỏ thuốc được vài tuần, tôi lại bị tiêu chảy, làm việc không tập trung, chóng mặt đau đầu, chân tay bủn rủn. Nếu hút thuốc lại thì sức khỏe lại trở lại khỏe mạnh như bình thường” - người đàn ông này chia sẻ với tư vấn viên.

{keywords}
Sau 4 năm hoạt động tổng đài 1800 6606 đã tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi, tư vấn cho 31.200 cuộc gọi, hỗ trợ 900 người cai thuốc lá thành công (dừng hút trên 1 năm).

Theo chị Trần Thị Thảo (tư vấn cai nghiện thuốc lá tổng đài 18006606) câu chuyện trên là tình huống khá phổ biến của những bệnh nhân khi gọi điện đến tổng đài. “Trong thuốc lá có nicotin gây nghiện, hút thuốc trong thời gian dài dẫn đến hoạt động của não bộ có sự phụ thuộc vào chất nicotine. Khi cai thuốc, lượng nicotine giảm khiến cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng khó chịu như: mất ngủ, mệt mỏi, làm việc thiếu tập trung, tiêu chảy… Tuy nhiên đây là những dấu hiệu hoàn toàn toàn bình thường và không có gì đáng lo” - chị Thảo nói.

Trung bình mỗi ngày, một tư vấn viên trực tổng đài hỗ trợ cai nghiện thuốc lá 18006606 như chị Thảo tiếp nhận từ 5-7 cuộc gọi, mỗi cuộc gọi kéo dài từ 20-30 phút. Thông thường, các tư vấn viên sẽ hỏi thông tin bệnh nhân, tình trạng sử dụng thuốc lá, sở thích, thói quen, nghề nghiệp… để hỗ trợ, đưa ra lộ trình bỏ thuốc phù hợp nhất. “Người cai nghiện thuốc lá thường cảm giác hoang mang, lo sợ khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng khó chịu. Bản thân các tư vấn viên khi đó phải giải thích, động viên và khích lệ để họ quyết tâm bỏ thuốc thành công” - chị Thảo nói.

{keywords}
Với mỗi trường hợp, các tư vấn viên đều phải tìm hiểu kỹ thông tin, các biện pháp mà người bệnh đã sử dụng cai thuốc trước đó để đưa ra tư vấn phù hợp, hiệu quả

Trong khi đó, chị Trịnh Thị Kiều Oanh (tư vấn viên cai nghiện thuốc lá tổng đài 18006606) cho hay, những người gọi điện đến tổng đài có thể là những bệnh nhân chưa cai thuốc lần nào, nhưng cũng có người đã cai đến hàng chục lần nhưng chưa thành công. Với mỗi trường hợp, các tư vấn viên đều phải tìm hiểu kỹ thông tin, các biện pháp mà người bệnh đã sử dụng cai thuốc trước đó để đưa ra tư vấn phù hợp, hiệu quả. “Có những bệnh nhân chia sẻ họ bị “nghiện” hành vi cầm điếu thuốc lá trên tay hay nhạt miệng không chịu được khi bỏ thuốc. Đối với các biểu hiện này, mình có thể đưa ra các mẹo giúp người bệnh làm quen với việc cai thuốc như: thay thế cầm điều thuốc bằng bút, sử dụng các thực phẩm như: cóc, xoài hay ngậm muối… Với những trường hợp nặng thì phải gặp bác sỹ, can thiệp điều trị bằng thuốc” - chị Oanh nói.

Tư vấn viên này cho hay, dù điều trị cai thuốc bằng phương pháp nào thì quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của người cai nghiện. “Nếu người nghiện thuốc lá quyết tâm cao thì chắc chắn sẽ cai thuốc thành công, ngược lại nhiều người không giữ được bản lĩnh, bỏ thuốc đến vài năm chỉ cần “tặc lưỡi” hút lại vài lần là có thể tái nghiện”.

{keywords}
Từ năm 2017, tổng đài triển khai thêm chương trình gọi lại chủ động cho người cai thuốc lá để cùng song hành, tăng hiệu quả cai thuốc thành công

Tiếp sức người cai thuốc lá

PGS.TS Phan Thu Phương, đại diện Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tổng đài tư vấn miễn phí với đầu số 1800-6606 ra đời vào năm 2015. Trải qua 4 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tổng đài đã tiếp nhận hơn 50.000 cuộc gọi, tư vấn cho 31.200 cuộc gọi.

Để hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân, từ năm 2017, tổng đài triển khai thêm chương trình gọi lại chủ động cho người cai thuốc lá để cùng song hành, tăng hiệu quả cai thuốc thành công.

“Khi bệnh nhân gọi điện đến tư vấn, đăng ký chương trình cai thuốc song hành sẽ được các tư vấn viên định kỳ gọi lại theo từng giai đoạn để nhắc nhở, hỗ trợ và kiểm tra hiệu quả cai thuốc. Tính đến nay, tổng đài tư vấn đã và đang hỗ trợ chủ động cho hơn 4000 người hút thuốc lá, và hơn 900 người cai thuốc lá thành công (dừng thói quen hút thuốc trên 1 năm)” - PGS.TS Phan Thu Phương nói.

Bên cạnh tổng đài tư vấn qua điện thoại, phòng tư vấn trực tiếp về cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Bạch Mai cũng tích cực hoạt động hỗ trợ điều trị cai nghiện thuốc lá cho những người hút thuốc có nhu cầu cai thuốc đến trực tiếp Bệnh viện, hoặc những bệnh nhân nhập viện có hút thuốc. Đến nay, phòng tiếp nhận tư vấn, hỗ trợ cai thuốc cho 350 đối tượng, gần 700 bệnh nhân tại các khoa, phòng, trong đó, 270 người cai thuốc thành công.

Đồng thời, cán bộ nhân viên bệnh viện cũng tiến hành tư vấn ngắn cai thuốc lá cho hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú. Với mục đích cung cấp lợi ích việc bỏ thuốc lá, phương pháp cai... Bạch Mai đẩy mạnh việc truyền thông, chú trọng nội dung, cách trình bày để thông tin đa dạng, dễ tiếp nhận.

Tại các khoa, phòng điều trị, buổi truyền thông trực tiếp được tổ chức thường xuyên cho khoảng 19.000 lượt người. Hoạt động là công tác quan trọng, có tác động sâu sắc trong việc nâng cao kiến thức về tác hại thuốc lá. Bệnh viện cũng triển khai kênh Facebook "Bệnh viện Bạch Mai - Tư vấn bỏ thuốc lá 1800 6606" và Youtube "caithuocla 1800-6606", đăng hơn 400 tin đăng trên Facebook, 40 video trên trang Youtube. Bên cạnh đó các cán bộ nhân viên trong bệnh viện cũng tiến hành tư vấn ngắn cai thuốc lá cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghiện thuốc đến khám và điều trị nội trú tại bệnh viện.

Minh Tuấn