Vào thời gian gần đây dư luận đưa tin khá nhiều về cuộc sống của một số người Việt ở Nhật có những biểu hiện không tốt như: Thiếu trật tự, lộn xộn, ăn cắp vặt, trốn vé tàu... thậm chí sống ngược lại với văn hóa Nhật, tạo nên những kỳ thị của người Nhật đối với người Việt Nam. Bằng chứng là người Nhật viết bảng bằng tiếng Việt để cảnh báo về việc ăn cắp treo ở nơi công cộng.

Khi đọc những thông tin như thế, chúng ta thực sự thấy buồn và hổ thẹn. Trăn trở băn khoăn nhiều, thấy có đôi điều muốn nói rõ thêm để các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, các bậc làm cha mẹ, những người có ý định sang Nhật học tập, làm việc, tu nghiệp, nhìn nhận sự việc một cách khác quan, cụ thể hơn:

Những gì có thực

Tấm biển cảnh báo chống ăn cắp vặt viết bằng tiếng Việt là có thực, với nội dung:

- Ăn cắp vặt là phạm tội.

- Ngay khi phát hiện ăn cắp, chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát.

- Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động.

Biển được treo ở siêu thị tại thành phố Saitama (Nhật Bản) vào tháng 3/2013, nay người Nhật có lẽ thấy điều gì đó băn khoăn nên họ đã tháo bỏ.

Người Nhật sống tự trọng, mến khách. Làm việc ở Nhật Bản điều kiện xã hội, môi trường sống rất tốt. Người lao động thường có thu nhập cao, trong một năm có tới 120 ngày nghỉ, nhưng cường độ, hiệu suất lao động thì lớn và sinh hoạt vào loại đắt đỏ nhất thế giới. Số lượng người Việt Nam ở Nhật ít hơn nhiều so với số người Việt ở các nước Châu Âu và Mỹ.

Tiếng Nhật khó, lại phải cạnh tranh với sức lao động, trí tuệ và ý chí của người bản địa nên không riêng gì người Việt Nam mà những người nước ngoài làm việc ở Nhật cũng ít người thành đạt và không phải ai cũng có việc làm, đời sống tốt. Việc người nước ngoài ở Nhật có hành vi vi phạm pháp luật cũng có một số trường hợp chứ không riêng gì người Việt Nam.

 

{keywords}

Ảnh minh họa

Những năm gần đây số lượng người Việt Nam sang Nhật đang tăng lên, chủ yếu theo con đường dịch vụ từ các công ty tư nhân, mục đích của các công ty này là tìm lợi nhuận trong việc đưa người đi du học, xuất khẩu lao động. Bản thân những người sang Nhật thường chưa được chuẩn bị đầy đủ các mặt như tài chính, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là trình độ tiếng Nhật và hiểu biết luật pháp, văn hóa nước Nhật. Khi đi, họ được tiếp nhận nhiều thông tin lạc quan... cứ tưởng nước bạn là miền đất hứa.

Sau một thời gian ở Nhật, có một số người do học hành, làm việc không được, rơi vào tình trạng không có việc làm, đời sống khó khăn dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc rồi thực hiện những hành vi xấu. Những người này tuy không nhiều nhưng hành vi của họ đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của một số người Nhật.

Còn nhớ có dịp trên tàu điện từ Sendai về Tokyo, có một anh bạn Việt Nam trốn vé, khi có nhân viên kiểm soát đến anh ta giả vờ ngủ. Người Nhật vốn nhân văn, anh kiểm soát viên nhìn kỹ rồi bỏ đi mà không hỏi. Biết tôi là người Việt, anh nhìn về bạn Việt Nam nói với tôi bằng câu ngạn ngữ của người Nhật: Shoshin wo wasurezu bekarazu (không được quên điểm xuất phát của bạn). Những chuyện như thế tuy chỉ là cá biệt nhưng với tôi đó là một kỉ niệm buồn, thật khó mà quên được!

Đôi điều nhìn nhận và trao đổi :

Chúng tôi đã từng sống ở Yamagata, Sendai, Kyoto, Tokyo. Ở đâu tôi cũng thấy xã hội Nhật nhân văn, trật tự ; người Nhật thật sự chăm chỉ trong công việc, thân thiện, mến khách.

Việt Nam có những người từng nổi tiếng ở Nhật như: Bác Hồ, cụ Phan Bội Châu, GSTS Lương Định Của, Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, GSTS Trần Văn Thọ... Đó là những tấm gương sáng ngời về sự cống hiến hết mình cho cộng đồng và nhân loại, tạo nên hình ảnh đẹp về con người Việt Nam trong mắt người Nhật. Ngày nay điều kiện học tập, làm việc, cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Nhật thực sự có nhiều ưu việt đối với những ai có ý chí vươn lên, trình độ tiếng Nhật tốt, kiến thức, kỉ năng nghề nghiệp khá, đặc biệt có hiểu biết về văn hóa, pháp luật của nước bạn, theo như lời dạy của người xưa là biết ‘‘Nhập gia tùy tục’’.

Trong con mắt của người Nhật từ trước đến nay, Việt Nam là một dân tộc mạnh mẽ, thông minh, chăm chỉ vốn gắn kết lâu đời với Nhật. Vì vậy mà Nhật Bản là nước có nguồn vốn tài trợ ODA lớn nhất dành cho Việt Nam. Điều đáng nói là trong thời điểm khó khăn nhất, sau trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân kinh hoàng vào tháng 3/2011, Nhật Bản vẫn duy trì nguồn vốn viện trợ cho các dự án kinh tế ở nước ta. Đầu tháng 6/2013, tại hai thành phố lớn là Tokyo và Nagoya đã diễn ra hai hội nghị quy mô lớn với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp Nhật nhằm kêu gọi đầu tư vào Việt nam. Năm 2013 Việt Nam – Nhật Bản kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 – 21/9/2013); hợp tác kinh tế Việt - Nhật đã thực sự được nâng lên tầm cao mới.

Những hành vi không tốt của một số người Việt như đã nói trên chỉ là cá biệt, nhưng cũng là điều báo động về nhận thức, cách sống cho cộng đồng người Việt ở Nhật bản; cho Nhà nước ta và các bậc cha mẹ về việc dạy Người, dạy Chữ từ những ngày đầu đi học, việc tổ chức đưa người sang nước bạn để học tập và làm việc.

Phan Tất
(90, Võ Thị Sáu - TP. Vinh - Nghệ An)