{keywords}
Hai năm trước, Bảo Tân quyết định bỏ phố về quê sống an nhiên cùng cây cỏ.

Bỏ phố về quê

Sương sớm mát lạnh, Trần Bảo Tân (SN 1990, quê Long An) dạo một vòng quanh khu vườn đầy ắp cây trái của mình. Hít một hơi căng phổi hương đồng gió nội, Tân trở vào căn nhà được xây bằng đất để chuẩn bị cho tiết dạy online.

Tân mơ về cách sống tự tại, hòa cùng thiên nhiên như thế từ khi còn là anh kỹ sư xây dựng bon chen ở TP.HCM. Những năm tháng ấy, vì tính chất công việc, gần như anh không có ngày ở nhà.

Sau những chuyến theo công trình, Tân dần nhận thấy rằng cuộc sống, công việc này không phù hợp với mình. Dù chưa kết hôn nhưng anh lo lắng những chuyến đi không hẹn ngày dừng sẽ khiến anh đánh mất hạnh phúc gia đình.

{keywords}
Tại đây, Tân và vợ tự cuốc đất, trồng rau để chủ động nguồn thức ăn.

Tân bắt đầu sống chậm lại, quan sát và phát hiện phần lớn những người cùng nghề xung quanh mình đều có vấn đề về cuộc sống gia đình, vợ con. Luôn tin vào quan niệm “hoàn cảnh tạo con người”, Tân lo lắng một ngày nào đó, công việc này sẽ khiến anh đánh mất chính mình, mất gia đình.

Hơn thế, Tân vốn yêu cuộc sống êm ả nơi miền quê. Giữa đô thành ồn ã, anh luôn nhớ ngày còn bé, sống cùng ông bà ngoại ở quê. Đó là những trưa hè ông bà ra gốc tre đan lát, Tân nằm ở chõng tre cạnh bên ngắm nhìn.

Mỗi lúc ông đan xong cái rổ, đóng xong chiếc giường, cả nhà ai nấy đều vui hớn hở. “Ông bà tôi đan lát, mỗi tuần đem ra chợ bán một lần. Tuy tiền không nhiều nhưng cuộc sống rất vui vẻ, nhẹ nhàng. Cuộc sống ấy đem đến niềm vui cho tất cả mọi thành viên trong gia đình”, Tân nói.

{keywords}
Lúc này, vườn hoang chỉ có căn nhà gỗ cũ nát.

Ký ức ấy khiến Tân mơ về cuộc sống bình lặng ở vùng quê, tránh khỏi những xô bồ nơi phố thị. Sau lần tình cờ xem clip của một người Thái Lan nói về cuộc sống ở vùng quê, Tân đặt quyết tâm bỏ phố.

Tân hiện thực hóa quyết tâm ấy từng bước một. Anh quyết định thay đổi lĩnh vực làm việc bằng cách dồn hết sức lực, tâm trí học tiếng Anh. Tân nói: “Học tiếng Anh để thay đổi lĩnh vực làm việc là một quyết định rất lớn, thay đổi cả cuộc đời nên tôi đặt rất nhiều tâm huyết”.

“Chỉ sau một năm, tôi đã đạt những thành quả tốt. Tiếng Anh hỗ trợ, giúp công việc của tôi tốt lên từng ngày. Lúc này, tôi nghĩ đến việc tích góp một khoản chi phí để mua mảnh vườn ở Đà Lạt vì tôi mê thành phố này lắm”, anh nói thêm.

{keywords}
Vợ chồng Tân phải tự tay cải tạo, sửa chữa căn nhà để ở.

Nhưng lúc ấy, suy nghĩ này chỉ như một giấc mơ xa vời. Tân sinh ra ở vùng quê nghèo. Việc lo cho anh ăn học tại TP.HCM đã là nỗ lực rất lớn của ba mẹ. Anh xác định "phải tự lo tất cả chứ không phụ thuộc gia đình".

Cuối cùng, Tân và bạn gái quyết định từ bỏ ý định mua vườn ở Đà Lạt. Cả hai nghĩ sẽ mua đất ở đâu đó trên núi, trên đồi miễn là tách biệt với cuộc sống xô bồ hiện tại. Để có tiền, Tân định đi Nhật làm việc. Tân nghĩ sau vài ba năm xuất ngoại sẽ có đủ tiền để hiện thực hóa ước mơ.

Nhưng đến ngày máy bay cất cánh, Tân chợt nhận ra rằng, nếu lại lao vào vòng xoáy kiếm tiền, khi có đủ kinh phí mua vườn, anh sẽ chẳng còn yêu thích cuộc sống ở quê nữa. Thế rồi Tân hủy chuyến xuất ngoại. Anh lên một huyện hẻo lánh ở tỉnh Bình Phước học nghề bán bánh với người bạn cũng vừa bỏ phố về rừng.

{keywords}
Tân quyết định cùng vợ tự đào, trộn đất để xây cho mình căn nhà mơ ước bằng đất.

Từng bị cười chê là người không bình thường

Bỏ nghề xây dựng mang lại thu nhập tốt tại TP.HCM để đi bán bánh vỉa hè, Tân khiến ba mẹ buồn, thậm chí thất vọng. Sau bao nhiêu công sức đầu tư cho Tân ăn học, ba mẹ anh không muốn con mình chỉ là một “thằng bán bánh”.

Nhưng Tân đã quyết vì công việc bán bánh vẫn đem lại cho anh và cô bạn gái niềm vui sống. Tích góp đủ tiền, cả hai cưới nhau và cùng mơ về mảnh vườn ở Đà Lạt như ngày mới quen nhau. Dẫu vậy, số tiền tích lũy từ việc bán bánh của hai vợ chồng vẫn không đủ để Tân chạm đến ước mơ.

Trong một lần lang thang trên mạng, anh nghe được câu nói “phải tận dụng tối đa những gì mình đang có” - của một người bạn ngoại quốc. Tân nghĩ mãi rồi nhớ đến mảnh đất hoang ở quê do ông ngoại để lại.

{keywords}
Sau 4 tháng, căn nhà đất đầu tiên của anh hình thành. Nó lụp xụp, méo mó như cái tổ chim xây dở.

Trước đó, Tân chưa bao giờ có ý định trở về mảnh đất này. Anh sợ rằng nếu quay về vườn cuốc đất, trồng rau, người ta sẽ cười chê, xem thường ba mẹ của anh. Dẫu sao, ba mẹ anh đã lo lắng, đầu tư cho anh đi học, tốt nghiệp ra trường, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố.

Nhưng niềm khát khao trở về cuộc sống an nhiên, nhẹ nhàng cùng cây cỏ đã chiến thắng tất cả. Anh bàn với vợ và được người bạn đời của mình đồng ý. Tháng 8/2019, cả hai quyết định từ bỏ thành phố, từ bỏ công việc bán bánh đang đem lại thu nhập tốt để trở về mảnh đất hoang ở quê.

Về quê, vợ chồng Tân trở thành những người nông dân thực thụ. Cả hai phát cỏ, dọn cây, cuốc đất trồng rau, tỉa bắp…để chủ động nguồn thức ăn. Lúc ấy, nguồn thu nhập chính của đôi vợ chồng trẻ chỉ dựa vào những đồng lương ít ỏi từ việc Tân dạy tiếng Anh online.

{keywords}
Vượt qua rất nhiều khó khăn, cuối cùng, Tân cũng cải tạo và hoàn thiện căn nhà đất độc đáo của mình.

Không có tiền, Tân vẫn mong xây cho mình ngôi nhà thật đẹp. Anh nghiên cứu và quyết định xây nhà bằng đất. Bởi, ở nơi anh sinh sống chỉ có đất và cây vụn là nhiều hơn cả. Tân tự mày mò nghiên cứu rồi lên mạng tìm hiểu kỹ thuật xây nhà đất ở nước ngoài.

Suốt 4 tháng ròng, anh và vợ tự đào đất, thử tỉ lệ trộn đất, cưa cây dựng nhà.... Sau 4 tháng, cả hai xây dựng được 70% căn nhà. Do nôn nóng được vào nhà mới, anh thuê thêm một người nữa cùng làm. Cuối cùng, đôi vợ chồng cũng có căn nhà được “nắn” lên từ đất, lụp xụp, xiêu vẹo như cái tổ chim.

Tân kể: “Ở nước ngoài, nhà đất rất thông dụng, bền và đẹp. Tôi là dân xây dựng nên việc xây nhà đất cũng không khó lắm. Điều khó nhất là phải làm việc trong hoàn cảnh bị người đời lẫn người nhà dị nghị, chê cười. Rất nhiều người nói tôi điên, khùng, sống kiểu không giống ai”.

{keywords}
Nội thất căn nhà cũng được Tân thiết kế, tạo hình từ đất.

Lần cải tạo, nâng cấp ngôi nhà đất, Tân tiếp tục gặp khó khăn khi không tìm được ai giúp đỡ. Dân trong vùng đều sợ bị cười là người không bình thường, ủng hộ cách sống không giống ai của vợ chồng Tân.

Rất lâu sau đó, Tân mới tìm được người chấp nhận cái mới để cùng anh cải tạo căn nhà bằng đất độc đáo của mình. Sau 1 tháng, vợ chồng Tân và 2 người thợ hoàn thành căn nhà. Sau đó, mỗi ngày Tân dành thêm 1 giờ đồng hồ nữa để chỉnh sửa, trang trí cho căn nhà thật sự độc đáo, khác biệt.

{keywords}
Đêm ngắm trăng từ trước sân căn nhà đất của đôi vợ chồng trẻ.

Những ngày này, sau các tiết dạy, Tân và vợ ra vườn cuốc đất trồng rau, chăm hoa, hái quả… Đêm về, cả hai ra ngồi trước căn nhà, tựa đầu vào nhau ngắm trăng, sao trên nền trời đêm trong vắt.

“Bây giờ, tôi sẽ không đổi cuộc sống này để lấy bất kỳ điều gì. Từ ngày bỏ phố về quê, hai vợ chồng tôi chưa bao giờ rời xa nhau. Chúng tôi có cùng niềm vui, nỗi buồn nên cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Tôi hoàn toàn hài lòng và yêu quý cuộc sống hiện tại”, Tân chia sẻ.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

9X bỏ giấc mơ phố thị, về quê làm nông để tìm lại chính mình

9X bỏ giấc mơ phố thị, về quê làm nông để tìm lại chính mình

Dù thành tích học tập, công việc khá tốt nhưng Xuân Hà nhận ra mình giống như một cỗ máy được lập trình sẵn.