Khuya, tôi ngủ lại phòng làm việc, nằm trên sofa với cái chăn mỏng, để máy lạnh và hé cửa. Ngoài kia đường vắng và vàng vọt. Thành phố này chưa bao giờ buồn vậy từ khi tôi đặt chân đến đây 30 năm trước, ở lại rồi thành "người Sài Gòn".

Có người hôm tranh luận chuyện lùm xùm chi viện, đã quá lời. Tôi phản đối ngay. Nhưng tôi cũng phản đối bất kỳ ai nói về những người khác đang ở Sài Gòn là "không phải dân Sài Gòn".

Tôi và mọi người ở thành phố này hiểu Sài Gòn theo nghĩa khác. Sài Gòn là những người nói tiếng Hoa rành hơn tiếng Việt ở Quận 5, Quận 6, Quận 11. Sài Gòn là những người nói tiếng Quảng Nam ở Bảy Hiền. Sài Gòn là véo von tiếng Bắc khu Ông Tạ. Sài Gòn mộc mạc tiếng Khmer mỗi sáng ở chùa Chataran Sây. 

Sài Gòn rầm rì cầu kinh Cô-ran bằng tiếng Chăm ở Thánh đường 65 Đông Du. Sài Gòn cũng là những người như tôi. Sài Gòn không có nghĩa là gốc gác. Nó là nơi ai đến, ở lâu và yêu mảnh đất này thì họ thành người Sài Gòn. 

Tôi đã ở Sài Gòn từ ngày bỡ ngỡ đi giữa lòng đường mà như đi bên lề thành phố. Tôi đã có bạn bè bỏ Sài Gòn sau vài năm lận đận vì thấy thành phố này "không phải chỗ dành cho tao". Ai ở Sài Gòn cũng có quê, cũng nhớ quê và về quê thì nhớ Sài Gòn.

Người ở Hà Nội yêu Hà Nội, nhưng ở Sài Gòn lâu lại thương Sài Gòn. Sài Gòn ăn chơi và Sài Gòn nhà quê lam lũ. Chỉ có điều tôi tin thành phố này chưa bao giờ phụ một ai thiện lương, cố gắng có chuyên môn và yêu công việc của mình.

Nên những ngày này, ở đây mà thương thành phố này thắt ruột. Lo là lo cho mình, cho người, thương là thương từng hẻm phố. Càng thương hơn khi bạn ở xa cũng thương Sài Gòn, cứ hỏi nhau cần gì không. 

Hôm qua bận họp, không nghe điện thoại, tối nhận được tin nhắn của một chị phóng viên về hưu: "Chiều các bạn chị ở Hà Nội nhờ chuyển 400 triệu cho người TP.HCM, gọi mãi em không nghe máy nên tìm người khác để nhờ "gửi cho Sài Gòn".

{keywords}
Người dân trên đường Đồng Khởi, Quận 1 chiều 8/7. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Sài Gòn của trăm nơi. Các tỉnh quanh Sài Gòn đã mở rộng khẩn cấp năng lực cung ứng giường hồi sức bệnh nhân nặng để cần sẽ giảm tải cho Sài Gòn. Câu chuyện Sài Gòn "nuôi cả nước" ai đó nói, Sài Gòn chỉ vì cả nước thôi vì thành phố này là của cả nước.

Nhưng giờ Sài Gòn mệt, 10 ngày nữa chắc mệt hơn khi gần 20 ngàn bệnh nhân hôm nay có người chuyển nặng và cứ 10 ngày số người nhiễm lại nhân đôi. Khi đó những vòng tay ấm sẻ chia là cần thiết. Và nơi nào cũng chuẩn bị sẵn phòng khi Sài Gòn mệt quá, chứ không đợi nói: "Bạn ơi, Sài Gòn mệt lắm!".

Tôi cũng không chắc mình và gia đình có an toàn hay không trong đại dịch này. Phường tôi ở bị nặng nhất quận. Xóm nhỏ của tôi san sẻ với nhau trong cơn khó khăn. Anh bạn hàng xóm về quận khác chăm cha mẹ vợ, hai ngày lên lại nhà một lần và câu đầu tiên mỗi sáng chào tôi trên mạng là: "Xóm mình sẽ ổn thôi, ổn thôi!".

Sài Gòn sẽ ổn thôi! Tôi tin là như vậy. Sài Gòn đang thiếu nhiều nhưng chỉ hô lên, bạn bè gửi tới đủ rau cho hàng xóm. Xóm nhỏ của tôi mọi người vẫn nhắn nhau mang quà tiếp tế cho khu trọ, ở đó công nhân thất nghiệp bị kẹt lại. Công nhân xóm trọ - họ cũng là Sài Gòn. Thiếu họ, Sài gòn giàu mạnh xinh đẹp sao được!

Những ngày phố xá vắng hoe khi Sài Gòn ốm, ở giữa Sài Gòn mà thương thắt lòng. Giữa Sài Gòn, nhớ quá, Sài Gòn ơi!

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển

'Đánh bại Covid-19, TP.HCM chỉ có thể dùng sức mạnh cộng đồng'

'Đánh bại Covid-19, TP.HCM chỉ có thể dùng sức mạnh cộng đồng'

Mấy ngày qua, quanh tôi có quá nhiều câu chuyện đẹp, quá nhiều nụ cười bênh cạnh những lời thở than. Dịch bệnh đe dọa cộng đồng và để đánh bại nó chỉ có thể dùng chính sức mạnh cộng đồng.