Cụ già đến nhận cơm bị YouTuber lớn tiếng chỉ trích

Những ngày qua, đoạn video phát cơm từ thiện của kênh YouTube có tên S.G.N.N gây xôn xao khi người phát cơm có những lời lẽ khiếm nhã, bất lịch sự đối với một số người đến nhận. YouTuber này liên tục nói người đến nhận sơn móng tay, “bụi đời”, ngoại hình hơi quá khổ... thì không được nhận cơm.

Thậm chí người này mắng một cụ ông: “Đừng có gãi sồn sột thế, nó bắn cái nọ cái kia ra bàn phát cơm của tụi con” vì “Chỗ phát cơm linh thiêng của người ta mà ông làm không ra sao cả”… Cùng với đó, người này và ekip vô tư quay clip rồi chia sẻ lên mạng xã hội và không hề làm mờ mặt “nạn nhân”.

Những lời nói nam YouTuber nhanh chóng khiến cộng đồng mạng nổi giận. Đông đảo người dùng mạng xã hội cho rằng đã làm từ thiện xin đừng tính toán, chớ vội “trông mặt mà bắt hình dong” vì giàu hay nghèo không chỉ thể hiện bằng vẻ ngoài.

{keywords}

Người phụ nữ không được nhận cơm vì sơn móng tay (Ảnh chụp màn hình).

“Dịch bệnh hoành hành đã quá đau lòng, xin đừng làm tổn thương nhau nữa”, một người viết. “Nếu đã gọi là từ thiện, không nên phân biệt đối xử khác biệt như vậy, cho dù người nhận là ai mình phải lấy cái tâm trước”, một người khác nhấn mạnh.

“Cho được hộp cơm mà anh sỉ nhục từ ông cụ già, cho tới chê bụi đời không cho cơm. Ứng xử kém quá”, một thành viên cũng chỉ trích.

Trước phản ứng dữ dội của cư dân mạng, chủ nhân kênh S.G.N.N đã chủ động lên tiếng xin lỗi công khai trên mạng xã hội, thiện chí đến tận nhà người dân để thăm hỏi và mong họ bỏ qua cho những phát ngôn “kém duyên” trước đó.

'Của cho không bằng cách cho'

Nói về vấn đề này, GS TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa - Du lịch, khẳng định: “Những người làm từ thiện xuất phát từ tâm chắc chắn sẽ không bao giờ có những hành động khiếm nhã như vậy”. Theo GS TS Vũ Gia Hiền, hành động của chủ tài khoản S.G.N.N đang mang tính chất khuếch trương, đánh bóng bản thân dưới hình thức làm thiện nguyện.

{keywords}
GS TS Vũ Gia Hiền. (Ảnh: NVCC).

“Những người như vậy luôn có tư tưởng thể hiện mình, trong khi người đến nhận cơm là người yếu thế, nên họ coi người nhận cơm thấp bé và tầm thường hơn mình, từ đó có thái độ chưa đúng mực” - GS TS Hiền nói.

Đồng thời, GS TS Vũ Gia Hiền cũng nhấn mạnh: “Trong quy tắc ứng xử, người mạnh bao giờ cũng phải thể hiện kín kẽ, trân trọng người yếu thế vì bản thân người yếu thế luôn có sẵn tâm lý tự ái, ức chế. Vì vậy người cho cần có thái độ đúng mực để cả 2 bên cho - nhận đều cảm thấy thoải mái”.

Trước sự việc trên, anh Nguyễn Tuấn Thành - Chủ tịch Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội, người đã tham gia nhiều chiến dịch tình nguyện, cho biết: “Khi một người đi làm từ thiện tức là họ đã có những thiện chí muốn chia sẻ tới cộng đồng, tới những người kém may mắn hơn mình. Tuy nhiên, cách hành xử của nam thanh niên này lại không khéo léo và có phần phiến diện, đánh giá người khác chỉ vì hình thức bên ngoài.

Những người nhận cơm phải chịu nhiều gánh nặng tâm lý hơn người cho, nên việc sử dụng ngôn từ thiếu văn minh, vô tư quay clip đăng lên mạng mà không che mặt rất dễ khiến họ tổn thương. Anh chàng này cần tinh tế hơn để cả 2 bên cùng thấy thoải mái khi cho và nhận”.

Với tư cách là “thủ lĩnh” của một hội nhóm thiện nguyện với hơn 10 năm hoạt động, anh Thành cho biết, mỗi chương trình, dự án tình nguyện đều cần có kế hoạch cụ thể, không được tổ chức kiểu “tự phát”, cần quán xuyến và tập huấn trước cho tình nguyện viên để mỗi cá nhân trong tổ chức đều mang tư tưởng tôn trọng và bình đẳng đối với tất cả mọi người.

{keywords}
Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội trao quà cho địa phương tại tâm dịch Bắc Giang.

Là một người thực hiện công tác thiện nguyện đã lâu, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - đại diện nhóm thiện nguyện Viết tiếp ước mơ cho em (TP. Bắc Ninh), chia sẻ: “Gần đây có không ít hình ảnh, thông tin không hay về các nhóm từ thiện khiến tôi cảm thấy khá buồn.

Hành động không đẹp của các bạn đã làm mất đi phần nào hình ảnh đẹp về thiện nguyện trong mắt công chúng. Từ đó, nhiều đơn vị từ thiện chân chính lại không nhận được sự cổ vũ tích cực từ cộng đồng để họ có động lực cống hiến hết mình”.

Chị Hằng cho biết, bản thân chị cũng như các thành viên trong nhóm đều đề cao quan điểm “của cho không bằng cách cho”, không bao giờ được phép đặt mình vào tâm thế của người “có của” để có những thái độ miệt thị hay phân biệt đối xử.

“Đối với những người kém may mắn hơn mình, khi tặng quà phải vô cùng tế nhị để họ cảm thấy mình xứng đáng được nhận quà chứ không phải tủi thân vì nhận quà như một sự bố thí. Theo tôi, công việc thiện nguyện phải xuất phát từ tâm lý muốn chia sẻ, lan tỏa tình người chứ không phải một sự ban phát nào cả”.

Theo chị Hằng, việc nhận thức đúng đắn về công tác thiện nguyện sẽ giúp cho cả người cho và người nhận cảm thấy bản thân được trân trọng và vui vẻ đón nhận những điều xứng đáng với mình.

“Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều cá nhân làm xấu hình ảnh về những người làm tình nguyện, nhưng những người làm thiện nguyện chân chính, mọi hành động xuất phát từ tâm thì họ vẫn cứ làm và không bao giờ có những hành động ác ý làm tổn thương người khác”, chị Hằng khẳng định.

Phương Thu

YouTuber bị chỉ trích vì luộc gà ở suối nước nóng

YouTuber bị chỉ trích vì luộc gà ở suối nước nóng

Đây không phải lần đầu tiên các YouTuber đi ngược lại quy định tại các địa điểm công cộng để quay video trải nghiệm.