Giữa tháng 6, toàn thành phố Cần Thơ mưa tầm tã. Phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt cách trung tâm thành phố 50 km. Tranh thủ lúc mưa tạnh, bà Nguyễn Thị Ca (73 tuổi) ra vườn nhổ ngò gai, chia từng bó, sáng mai ra chợ bán. 

Vừa cắt bớt gốc, ngắt bỏ những lá vàng úa, bà Ca vừa kể câu chuyện của gia đình mình. Vợ chồng bà có cả thảy 10 người con, 3 trai, 7 gái. 9 người con lập gia đình với người cùng quê. Hiện ai cũng có cuộc sống hạnh phúc.

Chị Trang là con gái út. 20 năm trước, chị đến Bình Dương làm công nhân may mặc. Lúc đó, thấy các cô gái trong phường ai cũng lên TP.HCM thi tuyển để được lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc) bà Ca cũng gọi con về tham gia.

{keywords}
Đoạn đường lên đò để qua cù lao Tân Lộc. Ảnh: T.A.

Ban đầu, Trang cự mẹ, muốn được tự quyết định chuyện chồng con của mình. Khi nghe mẹ nói: ‘Con không nghe mẹ, sau này khổ đừng than’, chị dọn hành lý về quê. Sau đó, chị theo đoàn đến TP.HCM tham dự cuộc thi tuyển vợ của những người đàn ông Đài Loan.

‘Nó đi được một tuần thì trúng tuyển. Nghe bên mai mối giới thiệu, chồng nó có việc làm thu nhập cao, gia đình gia giáo, giàu có, tôi vui lắm. Tôi nghĩ, rồi đây con bé sẽ sướng’, bà Ca nhớ lại lúc được tin con gái thi đậu cuộc thi lấy chồng nước ngoài.

Ngay sau đó, bà cùng chồng, các con và mấy người trong họ, chuẩn bị quần áo đẹp ra bến đò lên TP.HCM dự đám cưới con. Ngày vui của con kết thúc, vợ chồng bà được bên mai mối đưa 6 triệu đồng tiền nộp tài của nhà trai.

{keywords}
Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến đò chở khách qua sông đến với cù lao Tân Lộc và về đất liền. Ảnh: T.A.

Đến TP.HCM ngày thứ nhất, ngày thứ hai vợ chồng bà bắt xe về quê. Mọi thất vọng của người mẹ 10 con bắt đầu khi chị Trang qua Đài Loan làm dâu.

‘Nhà con rể tôi ở vùng quê nghèo của Đài Bắc. Cha mẹ nó ly hôn nhau. Vợ chồng nó phải đi thuê nhà ở, đi làm công nhân trong nhà máy’, bà Ca nói, giọng rầu rĩ.

Vì kinh tế khó khăn, hai năm trước, sau khi sinh con gái thứ hai được 6 tháng, chị Trang phải gửi con về cho người con gái thứ 6 của bà Ca nuôi giúp. ‘Con bé giờ được 2,5 tuổi rồi. Mỗi khi mẹ nó nhớ con, dì nó phải đưa qua Đài Loan cho gặp. Mẹ nó ở bên đó đi làm kiếm tiền nuôi bé lớn đang học đại học’, người mẹ sinh năm 1946 nói buồn.

Bà cũng cho biết, từ ngày con gái lấy chồng xa đến nay đã hơn 20 năm nhưng bà chưa nói chuyện với con rể bao giờ. Việc gặp nhà thông gia cũng không có.

‘Con rể tôi về đây 4 lần rồi. Nó nói tiếng Trung Quốc. Tôi nói tiếng Việt. Giờ có nói gì cũng không hiểu. Thôi, cứ im lặng’, bà Ca nói.

{keywords}
Bà Ca cho biết, 9 người con của bà kết hôn với người địa phương đều hạnh phúc, chỉ riêng có chị Trang là bà buồn nhất. Ảnh: T.A.

Cụ bà cho biết, nếu bây giờ được quyết định lại, bà sẽ không cho con gái lấy chồng ngoại. ‘Nhà người ta có con lấy chồng nước ngoài thì giàu lên, nhưng nhà tôi cực lắm’, bà nói.

Ở một gia đình khác, từ ngày có con gái lấy chồng Đài Loan, mỗi năm, chị Đỗ Thị Thu được đi nước ngoài 3-4 lần. Chị cho biết, chị học nhiều lần nhưng không nói được ngoại ngữ, vì thế, mỗi khi gặp mặt ông bà thông gia, chị không biết nói gì.

Người mẹ sinh năm 1975 cũng cho biết, lúc mới cưới, con gái chị ở chung với nhà chồng. Khi qua thăm con lần đầu, chị gặp đủ chuyện trái khoáy vì không hiểu và nói được tiếng Trung. 'Ba mẹ chồng con gái mời tôi ra ngồi nói chuyện, tôi xuống bếp lấy đồ ăn lên. Ông bà ấy mời tôi ăn cá, tôi hỏi lại: 'Anh chị muốn lấy cơm phải không'. Khi nghe con gái dịch lại, tôi ngại quá, không dám nhìn họ', chị Thu kể.

Đến nay, con gái chị đã ra ở riêng, khi qua thăm con chị thấy thoải mái hơn, nhưng chị vẫn chưa thể nói chuyện cùng ông bà thông gia và con rể. 'Họ nói gì tôi cũng chỉ cười và gật đầu cho xong', người mẹ miền Tây nói.

{keywords}
Đoạn đường trước nhà bà Ca được láng nhựa sạch sẽ. Ảnh: T.A.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Lộc cho biết, hiện nay, rào cản lớn nhất của các gia đình có con lấy chồng ngoại là ngôn ngữ. Nguyên nhân được bà Huệ cho biết, do các ông bố bà mẹ đã lớn tuổi, học thấp, vì thế không học được ngoại ngữ. Khi gặp con rể và thông gia, họ chỉ giao tiếp bằng nụ cười và ánh mắt.

Bà Huệ cho biết, hiện nay, vì việc lấy chồng theo kiểu giới thiệu, có tìm hiểu nên đỡ hơn. Trước đây, rất nhiều cô dâu đi làm dâu bị ngược đãi, chịu cảnh bạo lực và hôn nhân tan vỡ cũng vì không nói và hiểu được tiếng quê chồng.

‘Địa phương đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, đi từng nhà tuyên truyền, treo các băng rôn nói về những rào cản khi cho con đi lấy chồng ngoại nhưng chưa thành công’, bà Huệ nói. Bà cũng cho biết, hiện hội phụ nữ phường đang kết hợp với hội liên hiệp phụ nữ quận để làm những buổi tuyên truyền, vận động người dân học ngoại ngữ để phát triển du lịch địa phương và phục vụ cho việc giao tiếp với gia đình thông gia.

Ông bố Cần Thơ cho 4 con gái lấy chồng Đài Loan mong giàu sang

Ông bố Cần Thơ cho 4 con gái lấy chồng Đài Loan mong giàu sang

 Quan niệm, cho con lấy chồng ngoại mới giàu, vợ chồng ông Nhã quyết định gả cả bốn cô con gái cho các con rể người Đài Loan (Trung Quốc).  

Tú Anh