Đóng giả làm người mua thịt

Từ những ngày cuối tháng 5, tình hình dịch bệnh tại quận Gò Vấp (TP.HCM) có diễn biến khó lường, do nơi đây là điểm sinh hoạt của Nhóm truyền giáo Phục Hưng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), việc truy vết các F0, các trường hợp tiếp xúc F1 là một bài toán sống còn, giúp ngăn chặn dịch bệnh. "Càng phát hiện sớm các trường hợp F0, càng sớm ngăn chặn được các chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là việc làm khó khăn, vì còn phụ thuộc vào sự hợp tác của người dân", đại diện HCDC chia sẻ.

Chị Tạ Kiều Trang, hiện là Trưởng trạm Y tế phường 9, quận Gò Vấp, cũng chia sẻ: “Để truy vết các ca tiếp xúc của F0, cán bộ y tế có khi phải hóa thân thành thám tử điều tra hay có khi lại là nhà tâm lý”.

Chị Trang cho biết quá trình điều tra truy vết tốn rất nhiều thời gian, vì đa phần các F0, F1… thường không thành thật khai báo hoặc khai báo không đầy đủ. Nhiều trường hợp, nhóm của chị phải nhờ đến lực lượng công an hỗ trợ điều tra.

{keywords}
Nhóm truy vết của chị Kiều Trang.

Anh Phương - cán bộ chuyên trách phòng chống dịch tại Trạm y tế phường 9, nhớ như in lần truy vết một trường hợp F0 là anh M. cư trú ở hẻm 380, phường 9. Khi cán bộ y tế xuống điều tra dịch tễ, anh M. khai không đi đâu và chỉ ở nhà. Sau khi hỏi thêm những người xung quanh, anh Phương cũng không khai thác được thông tin gì thêm.

Ba ngày sau, tại điểm cách nhà anh M. 200m xuất hiện thêm ca F0 mới là anh H. Lúc này, anh Phương và đồng nghiệp mới tìm được mối liên quan giữa các ca bệnh với nhau. “Ban đầu, anh H. cũng khai chỉ ở nhà, không đi đâu, tiếp xúc với ai”, anh Phương kể.

Khi nghe chồng có kết quả dương tính với nCoV, vợ anh H. đã hỗ trợ nhân viên y tế, kể những trường hợp tiếp xúc với chồng mình. Ngay trong đêm, chị vừa bế con, vừa dẫn dội truy vết của phường đến từng nhà chồng mình từng đến trước khi nhiễm bệnh. Từ đó, nhóm của chị Trang mới phát hiện, giữa anh H. và anh M. có mối liên hệ với nhau.

Cũng từ đây, các nhân viên y tế phường 9 mới biết được, nơi làm việc của anh M. là một cơ sở buôn bán thịt. Tuy thế, việc truy vết thông tin tiếp xúc, di chuyển của ca F0 này đối với nhân viên y tế cũng vô cùng khó khăn.

{keywords}
Công việc điều tra truy vết cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.

Sau nhiều ngày không khai thác được thêm thông tin, một nhân viên y tế đã đóng giả làm người đi mua thịt ở cơ sở anh M. đang làm việc. “Sau khi chúng tôi tìm hiểu xong thông tin, anh M. mới thừa nhận đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người”, chị Trang chia sẻ.

Chị Trang cho biết, kể từ ngày bắt đầu áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 tại quận Gò Vấp, quá trình truy vết càng khó khăn hơn. Người dân khi được hỏi đều nói luôn tuân thủ việc giãn cách, giấu lịch trình của mình.

“Dù chúng tôi đảm bảo sẽ bảo mật thông tin, nhiều người dân vẫn không phối hợp. Có khi chúng tôi phải gọi điện tâm sự để cố gắng khai thác được thông tin. Có những ngày chúng tôi làm công tác truy vết tại hiện trường đến tận 22 giờ đêm”, chị Trang chia sẻ.

Ban đầu, những người sống cũng hẻm anh M. khai chỉ uống trà với nhau một chút, không tiếp xúc nhiều. Đến khi sức khỏe anh M. có diễn tiến nặng, những người từng tiếp xúc với anh mới đi khai báo. Họ còn thừa nhận các gia đình trong hẻm có tụ tập ăn uống với nhau, nên có rất nhiều người bị nhiễm bệnh.

{keywords}
Nhân viên y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết các ca F0.

Chụp biển số xe để truy vết

Chị Ngọc Hiền, thuộc đội điều tra truy vết của Trung tâm y tế quận 3, cũng tâm sự về những khó khăn gặp phải trong công việc của mình. Chị chia sẻ, công việc khai thác lịch trình di chuyển của F0 phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của họ. Nếu F0 khỏe, mình mới điện thoại truy vết được.

Bên cạnh đó, tâm lý của F0 cũng sẽ không được ổn định khi biết mình bị nhiễm bệnh nên khó mà khai thác được triệt để. Do đó, bao giờ chị Ngọc Hiền cũng sẽ hỏi: “Nếu nhớ ra việc gì, anh/chị hãy liên hệ lại để truy vết đúng và đầy đủ”.

Chị Quỳnh Thu, đội trưởng đội đáp ứng nhanh số 2, Trung tâm y tế quận 3, cho biết đối với các trường hợp F1 có biểu hiện khai không trung thực để trốn cách ly sẽ rất khó trong việc truy vết. Người điều tra cần phải có kỹ năng quan sát và khả năng nắm bắt tâm lý để hỏi đúng thông tin. Bên cạnh đó, cần tạo sự thoải mái cho họ, nếu chưa nhớ ra sẽ cung cấp thông tin sau qua điện thoại.

Trong quá trình làm người điều tra, truy vết, chị Ngọc Hiền sợ nhất là các ca bệnh làm nghề bán hàng tự do. Vì khách hàng thân thiết mua hàng chỉ một vài người, trong khi khách vãng lai lại rất nhiều. Do đó, chị Ngọc Hiền lo lắng khi không thể thống kê được hết số lượng người liên quan.

Chị nói: “Nhiều trường hợp là dân lao động nên khi hỏi tới là họ trốn. Họ nghĩ rằng, cách ly sẽ không còn nguồn thu nhập nên họ khai báo không đầy đủ”.

{keywords}
Để truy vết các ca tiếp xúc của F0, cán bộ y tế có khi phải hóa thân thành thám tử điều tra hoặc nhà tâm lý.

Có lần chị Hiền khai thác thông tin của ca F0 bán hàng rong trước cổng bệnh viện. Ban đầu, bệnh nhân này khai không đi đâu, mua đồ ăn trữ sẵn trong 4-6 tháng. Nghe xong, chị hỏi: “Sao rau củ chị trữ được lâu vậy?”. Bệnh nhân đáp: “Nhà tôi không ăn rau”.

Cuối cùng, cả nhà bệnh nhân này đều có kết quả dương tính SARS-CoV-2, họ mới khai thông tin. Cũng có những trường hợp, dù chị Hiền tìm mọi cách, họ cũng không khai báo thành thật. Cuối cùng, chị phải chụp biển số xe để truy xuất camera, họ mới chịu khai báo.

Dù công việc truy vết các F0 trong tình cảnh có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nhưng chị Hiền đã chuẩn bị tâm lý sẵn. “Nếu các bạn thương thì an ủi chứ đừng xua đuổi. Tôi đã chọn nghề này thì phải theo còn không đã bỏ từ đầu rồi. Tôi luôn có đủ ý chí tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Hiền nói.

HCDC khuyến cáo, hiện nay, các nhân viên y tế của thành phố vẫn đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết các trường hợp F0, F1, nhằm sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

HCDC kêu gọi, người dân cần hợp tác khai báo lịch trình của mình rõ ràng, chính xác, có như vậy mới hỗ trợ lực lượng y tế điều tra, truy vết nhanh, đó là chìa khóa rất quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh.

Tú Anh

Ảnh: HCDC

Cả gia đình mắc Covid-19, bé 7 tháng được bác sĩ coi như con

Cả gia đình mắc Covid-19, bé 7 tháng được bác sĩ coi như con

Thương bé mới 7 tháng tuổi mắc Covid-19 và phải xa mẹ, bác sĩ Thúy đã vắt sữa của mình cho con ăn.