- Đọc bài viết “Cô dâu tủi nhục, muốn hủy hôn vì nhà trai mang đến 1 tráp hỏi”, sau đó, lại xem những bình luận phía cuối bài, tôi thấy, phần lớn độc giả đều ra sức phê phán gia đình nhà trai và khuyên cô dâu này nên hủy hôn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như vậy.

Thứ nhất, cô gái này là người có học, công ăn việc làm tốt, khi quyết định làm đám cưới với chàng trai kia, chắc chắn, cô ấy đã có sự tìm hiểu và hài lòng về người đàn ông của mình. Nếu chỉ vì một cái lễ ăn hỏi không đúng ý mà cô ấy hủy hôn thì tôi cho rằng, cô ấy quá hồ đồ.

Thứ 2, nhà gái nói không thách cưới mà chỉ tư vấn 1 lễ ăn hỏi bao gồm 5 tráp và 1 phong bì từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nếu đã là tư vấn thì quyền quyết định thuộc về nhà trai. Họ đi thế nào là quyền của họ. Do vậy, trong trường hợp này, nhà trai không sai. Cái sai ở đây là ở chú rể. Anh ta đã không thông báo với cô dâu khiến gia đình cô dâu chuẩn bị 5 cô gái bê lễ mà lại không có lễ nên tẽn tò.

Cái sai này đáng trách, nhưng không đến mức phải hủy hôn. Vì có thể, ngày cưới, nhiều việc, anh ta quên không nói cho cô dâu. Hoặc anh ta nghĩ, nhà gái không chuẩn bị người cầu kỳ như vậy để đón lễ.

Tính hay quên, không để ý đến tiểu tiết như vậy là do tính cách, mà tính cách chú rể thì cô dâu phải là người hiểu nhất.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, một lễ ăn hỏi mà gợi ý 5 tráp và phong bì 10 triệu là quá xa xỉ. Đây không gọi là phong tục mà là hủ tục. Hủ tục thì cần phải phá bỏ. Gả chồng cho con chứ có phải bán con đâu mà phong bì càng cao, lễ ăn hỏi càng hoành tráng thì giá trị của cô dâu càng cao?

Giá trị cô dâu cao phụ thuộc vào con người, học thức, công việc, gia đình cô dâu… Thêm vào đó là con người, nhân cách, công việc, học thức và gia đình chú rể chứ đâu phụ thuộc vào cái lễ ăn hỏi hoành tráng?

Ăn hỏi hoành tráng, đám cưới hoành tráng xong về nhà vợ chồng kéo cầy trả nợ thì khác gì làm khổ các con.

Trong trường hợp này, bố mẹ cô dâu đều là nhà giáo, là những người làm trong ngành giáo dục, lẽ ra họ phải tiếp thu những chủ trương mới của nhà nước là thực hiện đám cưới văn minh tiết kiệm rồi áp dụng, làm gương cho địa phương của mình.

Vì, muốn phá bỏ hủ tục, cần phải có người khai mào. Đằng này, họ đòi hỏi nhà trai phải chuẩn bị phong bì nhưng dự định sau đám hỏi sẽ cho lại các con, tức là, họ không cần số tiền ấy.

Họ làm vậy chẳng qua cũng chỉ vì cái sĩ diện hão, vì muốn che mắt thiên hạ. Bây giờ, không được như ý, họ buồn phiền, đau khổ khiến cô dâu cũng nghĩ ngợi và muốn hủy hôn.

Nếu cô dâu quyết định hủy hôn thì có phải, bố mẹ cô ấy đã có tội trong việc chia rẽ nhân duyên của con gái mình hay sao? Cái sĩ diện hão ấy quan trọng hơn hạnh phúc của con gái mình hay sao?

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả)

Độc giả Ngọc Minh - Hà Nội