Là một trong những chính sách dân tộc quan trọng, chương trình 135 (CT135) đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ngày 31/8, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2018 các tỉnh khu vực phía Nam. Hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện CT135 giai đoạn 2016-2020 ở các tỉnh, thành phía Nam, qua đó chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện, đưa ra các giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu qua chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Góp phần giảm nghèo đa chiều vùng DTTS

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 tại các địa phương cho thấy, CT135 đã góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, công trình điện, thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nhà văn hóa cộng đồng… góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Nguồn vốn CT135 nhìn chung được phân bổ theo tiêu chí đảm bảo công khai, dân chủ và công bằng; công tác kiểm tra, giám sát luôn được tăng cường. Bên cạnh đó, các dự án được đầu tư, hỗ trợ từ CT 135 đúng địa bàn, đối tượng, đảm bảo chế độ, chính sách quy định.

Nhiều con số ý nghĩa được đưa ra tại hội thảo: tỷ lệ hộ nghèo trên toàn vùng giảm từ 20,1% năm 2004 xuống còn 8,9% năm 2010. Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn khoảng 3,54% (cả nước còn dưới 4,5%). Trong đó, có 8/13 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp (dưới 5%); một số tỉnh có mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt cao như Sóc Trăng (khoảng 4,5%), Bạc Liêu (khoảng 4,5%), Trà Vinh (khoảng 3,3%).

{keywords}
 

Hội thảo cũng đưa ra những mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực trong thực hiện CT135. Điển hình như thực hiện Tiểu dự án 1 của tỉnh Sóc Trăng, số công trình đầu tư cơ sở hạ tầng 161, tổng số vốn phân bổ 158.479 triệu đồng; Vĩnh Long: số công trình đầu tư cơ sở hạ tầng 8, tổng số vốn phân bổ 5.409 triệu đồng; Trà Vinh số công trình đầu tư cơ sở hạ tầng 150, tổng số vốn phân bổ 109.293,70 triệu đồng...

Thực hiện Tiểu dự án 3 đa số các tỉnh đã xây dựng và phê duyệt khung đào tạo, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng như Ban Dân tộc Bà Rịa - Vũng Tàu mở 14 lớp với 620 lượt người tham dự, kinh phí thực hiện 910 triệu đồng: Hậu Giang mở 04 lớp với 228 lượt người tham dự, kinh phí thực hiện 901 triệu đồng; Cà Mau mở 20 lớp với 1.940 lượt người tham dự, kinh phí thực hiện 2.626 triệu đồng. Nội dung của lớp tập huấn nâng cao năng lực chú trọng về công tác quản lý, quy trình kỹ năng tổ chức thực hiện Chương trình, các vấn đề liên quan trong giảm nghèo.

Theo đánh giá tại hội thảo, thời gian qua, cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện đã chủ động, tập trung tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt CT135 trên địa bàn. Tại nhiều địa phương vùng Nam bộ, người dân đã tham gia một cách tích cực đóng góp ngày công lao động, đất đai và thường xuyên tham gia hoạt động giám sát cộng đồng, từ đó nhiều công trình thi công đưa vào sử dụng đúng tiến độ, phát huy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả triển khai chương trình

Bên cạnh những kết quả khả quan, trong quá trình thực hiện CT135 vẫn còn những tồn tại nhất định. Hầu hết các địa phương triển khai phân bổ vốn chậm, nhất là tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện việc gắn bảng, ghi tên công trình đầu tư từ nguồn vốn CT135; công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy tốt vai trò thường trực CT135 trong quá trình tham mưu thực hiện…

Để nâng cao hiệu quả việc triển khai CT135 trong thời gian tới, nhiều đại biểu kiến nghị: Các bộ, ngành hữu quan cần tính toán, xác định vốn đầu tư từ CT135 phù hợp hơn đối với từng vùng, miền trong cả nước; có cơ chế, chính sách đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào các địa phương thuộc CT135 để hỗ trợ địa phương giải quyết việc làm, từng bước nâng cao mức sống cho người dân; Việc tổ chức rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc nên thực hiện ít nhất 2 năm/lần để đánh giá một cách hiệu quả vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi… cho các hộ nghèo; UBDT có hướng dẫn về nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện CT135; có chính sách khích lệ đối với xã hoàn thành sớm mục tiêu CT135…

M.Tuấn - Phương Cúc