Rủ nhau về Bắc Ninh trảy hội

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, từ mồng 4 Tết Âm lịch, người ta đã rủ nhau đi hội Đồng Kỵ (làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để được xem rước pháo vào đình.

Tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng được dân tôn thờ làm thành hoàng làng vì có công đánh giặc, từ 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người. Tiếp đó là màn rước 4 ông đám - những người tới tuổi 51 ở 4 giáp khác nhau, tượng trưng cho 4 vị tướng xuất quân đánh giặc. Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thu hút hàng nghìn khách thập phương.

{keywords}
 Hội làng Đồng Kỵ

Một lễ hội khác cũng hấp dẫn du khách vào ngày mùng 4 Tết Âm lịch là hội chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), hay còn được biết đến với tên hội Khán hoa mẫu đơn. Lễ hội này gắn liền với ngôi chùa cổ Phật Tích và câu chuyện tình cảm động Từ Thức gặp Tiên. Phần lễ của lễ hội là các hoạt động dâng hương tại những nơi thờ tự, tín ngưỡng, tổ chức Pháp hội đại bi cầu quốc thái dân an. Ngoài ra là phần hội với các chương trình biểu diễn quan họ trên thuyền, giao lưu nghệ thuật trên quảng trường Đại phật tượng, các trò chơi dân gian truyền thống…

Từ sẩm tối mùng 4 Tết, người người lại rủ nhau đi chơi hội Làng Ó (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) với phiên chợ Âm dương và tục hát quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Tối mùng 4 Tết, dân trong làng đều mang gà đen ra chợ bán để làm vật tế Thần, cầu chúc may mắn cả năm. Ngoài ra, người ta còn mua bán những đồ cũ kỹ với quan niệm “mua may, bán rủi”, làm phúc cho “người âm”. Sau những cuộc mua bán này là hội hát quan họ diễn ra ngay tại chợ suốt đêm. Những “bọn” quan họ của các làng xung quanh khăn xếp áo the cùng nón thúng quai thao bước vào canh hát giao duyên với các làn điệu chân tình, mộc mạc mê đắm lòng người.

Làng Ó chính thức vào hội sáng mùng 5 Tết. Hội Ó vừa là hội chùa, vừa là hội đình, đền, kéo dài đến hết ngày 12 tháng Giêng. Với tín ngưỡng “Tiền Thần hậu Phật”, hội làng Ó sôi động bởi nghi thức rước Thánh từ nghè về quy tụ tại đình và tế lễ. Sau khi chọn được gà đen để thờ Thần, ngày mùng 6, làng tổ chức rước. Khi các Thần được rước về Đình Trung quân, làng tổ chức tế lễ bao gồm nghi thức tế của các Giáp, tế thọ hương lão, tế của dân làng và khách thập phương. Ngoài ra, tại sân đình, chùa, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: hát quan họ, chơi đu, đấu vật, đánh cờ…

{keywords}
 

Trong các lễ hội ở Bắc Ninh, Hội Lim có lẽ là một trong những nét văn hóa truyền thống nổi tiếng nhất ở địa phương này. Cứ vào ngày 12 đến 14 tháng Giêng, người dân vùng Kinh Bắc lại tổ chức hội Lim tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để chào Xuân. Hội Lim từ xưa đến nay không chỉ tái hiện những nét văn hóa độc đáo vốn có của miền quê xứ Kinh Bắc mà còn có những liền anh, liền chị với những câu hát quan họ cổ trữ tình, lôi cuốn.

Hội Lim gồm những hoạt động nghi lễ trang nghiêm nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế và các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Đến hội Lim, khách du Xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền, hát trong các tư gia, hát đối từng cặp. Khách hành hương, trảy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương, hay tham dự các trò chơi dân gian như đu bay, chọi gà…

Tìm hiểu cả một triền văn hoá

Ở Bắc Ninh, hầu hết các làng xã đều có lễ hội riêng. Những lễ hội vì thế cũng mang tên làng hay tên một di tích của làng, như hội làng Diềm hay hội Đền Bà Chúa Kho, hội Đền Đô, hội Chùa Phật Tích, hội đền làng Á Lữ, hội Đền Than, hội Thập Đình…

Đến với mỗi làng xã, du khách có thể tìm hiểu những nét đặc trưng riêng, khám phá nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, đặc sắc được tổ chức tại từng lễ hội như hát dân ca quan họ, múa rối nước, cờ người, tổ tôm, múa kỳ lân, đu quay, đánh vật, đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải, cờ người, đu tiên…Các trò chơi dân gian đều mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con người, mang tính cộng đồng cao, lôi cuốn đông đảo mọi người cùng tham gia.

Vượt ra ngoài khuôn khổ từng làng xã, là các lễ hội có quy mô lớn như hội chùa Đại Bi (Gia Bình) do các làng trong xã Vạn Tự xưa cùng nhau tổ chức; lễ hội đền Than (Cao Đức, Gia Bình) do 7 làng thờ Đức Cao Lỗ Vương phối hợp thực hiện; hội “Thập Đình” ở Bảo Tháp xã Đông Cứu của mười làng cùng thờ Đức Doãn Công - Đào Nương là hai vợ chồng và là tướng của Hai Bà Trưng; hội Lim là hội của các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa, hội Dâu của các làng thuộc tổng Khương Tự….

Ở các lễ hội này, các làng cùng phối hợp tổ chức một số hoạt động chung như rước sách, tế lễ, nhưng ở từng làng xã vẫn có những sinh hoạt văn hóa và tâm linh riêng theo truyền thống, phong tục tập quán riêng, phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân từng vùng.

Giữa xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, mảnh đất Kinh Bắc vẫn giữ cho mình những nét rất riêng. Tìm về với các lễ hội của mảnh đất Kinh Bắc, là dịp để tìm hiểu những phong tục, nghi lễ cổ vẫn được người dân địa phương truyền giữ, khám phá một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú, đậm đà bản sắc.

Đình Sơn