Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống kinh tế, tỉnh luôn quan tâm phát triển toàn diện văn hóa xã hội dân tộc thiểu số. 7 phong trào và 5 nội dung chính của phong trào toàn dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được lồng ghép vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội ở những xã đặc biệt khó khăn, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình đồng bào Khmer, người Hoa là gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, nêu cao tinh thần tương thân tương ái…

{keywords}
Múa Lân - Sư - Rồng của người Hoa

Nhằm phát huy, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, một số địa phương duy trì thường xuyên hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng trong đồng bào người Hoa, Khmer thông qua các hội thi, hội diễn, thi đấu thể thao như huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Gò Quao, Châu Thành, Kiên Lương, thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên... Toàn tỉnh hiện có 24/76 chùa có ghe ngo; 15/76 chùa có dàn nhạc ngũ âm; 10 đội văn nghệ Khmer hoạt động hiệu quả; 20 câu lạc bộ lân sư rồng người Hoa hoạt động tích cực. Tỉnh đã đầu tư đóng mới 23 ghe ngo và trang bị 08 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Quan tâm củng cố duy trì Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh, hàng năm có từ 20 - 80 buổi lưu diễn, phục vụ 35 đến 40 ngàn lượt người xem.

Việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được quan tâm. Toàn tỉnh có 76 chùa Khmer, trong đó có nhiều chùa được trùng tu, sửa chữa khang trang; có 05 chùa Khmer là di tích được đưa vào dự án bảo tồn trong tổng số 10 di tích trong năm 2018, với tổng số vốn bố trí là 7.799 triệu đồng. Bố trí vốn hoàn thành dự án bảo tồn và phát triển ấp văn hóa truyền thống dân tộc Khmer tại huyện Châu Thành. Tỉnh đã đề nghị nghị và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho ông Danh Bê, Danh Tiền.

Các lễ hội truyền thống của người Khmer, người Hoa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, đảm bảo đúng quy chế tổ chức lễ hội, trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện của từng địa phương. Giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách tỉnh hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền và các hoạt động lễ hội, đua ghe ngo... với tổng kinh phí 25,656 tỷ đồng.

Từ năm 2007, tỉnh nâng Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer ở huyện Gò Quao thành Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, thể thao sôi nổi, thu hút hàng trăm ngàn đồng bào trong và ngoài tỉnh tham gia.

Hàng năm, người Hoa ở Kiên Giang tổ chức một số lễ hội tại các chùa, đình, miếu... có ý nghĩa, vừa đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, vừa là dịp để những người đồng hương có dịp gặp gỡ, giao hiếu với nhau. Những tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, các hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, môi trường văn hóa lành mạnh, cảnh quan sạch đẹp đang được đồng bào cùng chung sức xây dựng.

Kết quả cụ thể và thiết thực từ phong trào đã góp phần làm thay đổi rõ rệt vùng đồng bào dân tộc, vùng nông thôn. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, phát triển toàn diện, nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là nền tảng cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 

Ngân Phương
Ảnh: Thục Anh