Lác đác người dùng đăng ký chuyển mạng giữ nguyên số

Sáng 2/1, theo ghi nhận của Pv. VietNamNet, tại các điểm giao dịch của Viettel, VinaPhone và MobiFone, lác đác có một số trường hợp người dùng đi đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Nếu như ở thời điểm tháng 4/2018, các điểm giao dịch trở nên quá tải bởi số người đến đăng ký bổ sung thông tin thuê bao thì với dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, điều này không tái diễn.

{keywords}
Điểm giao dịch Nguyễn Chí Thanh của VinaPhone từng rất đông người xếp hàng khi cập nhật thông tin thuê bao nhưng chỉ có lượng khách thưa thớt trong ngày đầu đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số cho thuê bao trả trước. Ảnh: Trọng Đạt

Tại điểm giao dịch của VinaPhone trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), chỉ có vài ba người đến đăng ký chuyển mạng ở thời điểm 11h sáng ngày 2/1. Trong khi đó, ở điểm giao dịch MobiFone ngay bên cạnh, lượng người đến giao dịch còn thưa thớt hơn. Do tính chất không quá cấp bách của việc chuyển mạng, nhìn chung tại tất cả các điểm giao dịch, lượng người đến đăng ký đều thấp.

Chia sẻ với Pv. VietNamNet, một nhân viên trực quầy của nhà mạng Viettel tại điểm giao dịch Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trong buổi sáng ngày 2/1, một mình chị xử lý khoảng 10 lượt khách hàng đến đăng ký chuyển mạng giữ số.

Với từ 3 - 4 giao dịch viên hoạt động thường xuyên, có thể ước tính, điểm giao dịch này tiếp nhận khoảng 30 trường hợp đến đăng ký dịch vụ chuyển mạng trong buổi sáng 2/1. Tuy vậy, tại các điểm giao dịch nhỏ lẻ khác của Viettel, lượng người đến đăng ký chuyển mạng cũng có phần khá thưa thớt và không đồng đều.

Lý do phổ biến nhất của người dùng khi đăng ký chuyển mạng giữ nguyên số đến từ vấn đề chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, không ít người đăng ký chuyển mạng để về cùng một nhà mạng với người thân trong gia đình.

Thuê bao trả trước dễ chuyển mạng giữ số hơn thuê bao trả sau

Trao đổi với Pv. VietNamNet, một nhân viên tại điểm giao dịch của nhà mạng VinaPhone trên đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Để chuyển mạng giữ số, người dùng cần đăng ký tại nhà mạng chuyển đến. Đây là điều nhiều người sử dụng bị nhầm lẫn khi họ đến chính điểm giao dịch của nhà mạng mà mình đang sử dụng."

{keywords}
Người dùng có thể viết phiếu đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số tại các điểm giao dịch. Các nhà mạng cũng cung cấp hình thức đăng ký online trên website. Ảnh: Trọng Đạt

Về cước phí, thuê bao trả trước khi đăng ký chuyển mạng giữ số sẽ đóng mức phí rẻ hơn so với thuê bao trả sau. Cụ thể, thuê bao trả trước phải đóng số tiền là 50.000 đồng cho nhà mạng chuyển đến. Trong khi đó, các thuê bao trả sau đều phải đăng ký dịch vụ với giá 60.000 đồng.

Ở thuê bao trả sau, người dùng cần đóng dư một khoản cho nhà mạng chuyển đi để đề phòng có chi phí phát sinh trong khoảng thời gian từ lúc đăng ký cho tới khi chính thức chuyển sang nhà mạng mới. Tuy nhiên, quy định này không tồn tại với thuê bao trả trước.

{keywords}
Phôi SIM trắng được nhà mạng chuyển đến phát cho người dùng sau khi đăng ký tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Ảnh Trọng Đạt

Trong các bài viết trước, VietNamNet từng phản ánh nhiều trường hợp người dùng gặp khó khăn trong quá trình đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số. Các rắc rối này đa phần đều liên quan tới điều khoản trong hợp đồng trước đó của người dùng với nhà mạng chuyển đi.

Nhìn chung, so với các thuê bao trả sau, thuê bao trả trước gặp phải ít ràng buộc hơn trong quá trình đăng ký chuyển mạng. Tuy vậy, người dùng cần lưu ý rằng, tài khoản di động sẽ không được bảo lưu sau quá trình chuyển đổi. Để không bị thiệt hại, người dùng nên tiếp tục sử dụng dịch vụ của nhà mạng cũ cho đến khi gần hết tiền trong tài khoản rồi hẵng đăng ký chuyển sang nhà mạng mới.

Trọng Đạt