Chuyển đổi số sẽ thay đổi bộ mặt ngành y tế Việt Nam

Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình nêu rõ 8 lĩnh vực cần ưu tiên, trong đó y tế là lĩnh vực đầu tiên được nhắc tới khi nói về chuyển đổi số. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi số ngành y tế được Chính phủ quan tâm đặc biệt.

Dựa trên Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, ngành y tế đã đề ra cho mình mục tiêu trước mắt là tới năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến của ngành đạt mức độ 4, được tích hợp lên cổng quốc gia và có thể sử dụng bằng thiết bị di động.

Ngành y tế cũng phấn đấu để 90% người dân và 100% cán bộ y tế được định danh, 60% dịch vụ y tế được thanh toán điện tử, 20% lượt khám chữa bệnh được thực hiện từ xa, 50% lượt khám chữa bệnh được đăng ký trực tuyến,...

{keywords}
Các mục tiêu chuyển đổi số của Bộ Y tế tới năm 2025. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), chuyển đổi số y tế là quá trình từng bước tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo..  vào các lĩnh vực của ngành y. 

Mục đích của điều này là tận dụng các công nghệ số nhằm thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong ngành y và cung cấp các dịch vụ y tế thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả cho người dân trên nền tảng số.

{keywords}
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT. Ảnh: Trọng Đạt

Tầm nhìn của ngành y tế là tới năm 2030, việc ứng dụng công nghệ số sẽ diễn ra trên hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh, dùng bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. 

Thông qua những việc làm này, ngành y tế mong muốn xây dựng được hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Tại đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin để sử dụng các dịch vụ y tế, đồng thời được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Ngành y tế và những thách thức để chuyển đổi số

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị tích cực nhất tham gia vào công tác chuyển đổi số ngành y tế. Đây là bệnh viện chuyên khoa nhi hạng 1, phụ trách 13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng CNTT (Bệnh viện Nhi Đồng 1), đơn vị này đã bắt tay vào quá trình ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động từ tương đối sớm. 

{keywords}
Ông Đặng Thanh Hùng - Trưởng phòng CNTT (Bệnh viện Nhi Đồng 1). Ảnh: Trọng Đạt

Trong giai đoạn 1994 – 2003, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành số hóa thông tin người bệnh, kho tàng. Năm 2004, Bệnh viện bắt đầu số hóa chi phí khám bệnh nội trú. Bệnh viện số hóa việc kê hóa đơn từ năm 2006 và đến năm 2014 đã số hóa một số bệnh án mãn tính, chuyên môn. 

Một số sản phẩm tiêu biểu trong quá tình chuyển đổi số tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có thể kể đến như Kho dữ liệu cảnh báo và ứng dụng nguyên lý máy học trong hệ thống nhắc kê đơn an toàn, Phần mềm đấu thầu thuốc thông minh hay việc ứng dụng công nghệ và thiết bị IoT trong quản lý kho thuốc. 

{keywords}
Kho dữ liệu cảnh báo việc kê đơn thuốc. Đây là một giải pháp chuyển đổi số được đánh giá cao của ngành y tế. 

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác số hóa ngành y tế, ông Hùng cho biết, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi số ngành y là sự thiếu hụt nhân lực về CNTT. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho CNTT tại các bệnh viện hiện nay ở mức rất hạn hẹp. 

Theo vị chuyên gia này, để có thể chuyển đổi số ngành y tế thành công, cần phải thay đổi các quy trình, quy định hiện tại trong đầu tư CNTT y tế, đồng thời hỗ trợ công nghệ mới cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, cần thay đổi cách thức làm việc của các cán bộ nhân viên ngành y tế, tạo cho họ thói quen làm việc mới trên nền tảng số. 

Trọng Đạt