Người dùng không có lựa chọn ngoài việc trao dữ liệu cho Facebook

Cách đây vài năm, Andreas Mundt từng lên tiếng cảnh báo về tình trạng dữ liệu người dùng bị thu thập bởi các gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Google. Thực tế là thời gian gần đây, các vấn đề mà Andreas Mundt đề cập đã trở thành điểm nóng đối với thế giới công nghệ. 

Theo Mundt, mọi người đang đánh đổi dữ liệu cá nhân của chính mình để sử dụng những dịch vụ trực tuyến miễn phí do Google và Facebook cung cấp. Chúng ta không có lựa chọn nào khác, bởi những công ty này không hề có đối thủ, Mundt nói. 

{keywords}
Andreas Mundt - nhà chống độc quyền người Đức.

Vào tháng 2 năm nay, cơ quan chống độc quyền của Đức đã ra phán quyết khẳng định Facebook đang vi phạm pháp luật. Phán quyết này yêu cầu Facebook phải ngừng việc chia sẻ dữ liệu người dùng cho các ứng dụng trò chơi trên mạng xã hội hay Instagram và WhatsApp, hai nền tảng mà mạng xã hội này đang sở hữu.

Đây cũng là phán quyết chống độc quyền đầu tiên đối với Facebook được thực hiện ở Châu Âu. Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang có những tranh cãi về việc có buộc tội vi phạm lệnh chống độc quyền hay không đối với những gã khổng lồ công nghệ. 

Thông thường, điều này sẽ dựa trên việc xem xét hành vi của đối tượng có động chạm tới lợi ích của người dùng hay không. Tuy nhiên, đây là một điều rất khó để có thể chứng minh với các dịch vụ miễn phí như Google hay Facebook. 

{keywords}
Người dùng bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu của mình với Facebook để đối lấy việc duy trì tương tác với bạn bè. 

Theo Andreas Mundt, cách đơn giản nhất để xử lý vấn đề này là hướng vào dữ liệu - thứ đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của những công ty như Facebook. 

Ông lập luận rằng các công ty như Facebook chiếm ưu thế trong mảng kinh doanh của mình đến nỗi, nếu muốn tìm kiếm bạn bè mình trên Internet, người dùng không còn cách nào khác ngoài việc đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình. Chính những dữ liệu này sau đó góp phần vào việc củng cố vị thế cho Facebook trước các đối thủ. Hành động này đã chống lại sự cạnh tranh, Mundt nói. 

Quan điểm của Mundt dẫn tới việc cơ quan chống độc quyền ban hành phán quyết nói trên đối với Facebook. Đây cũng là niềm cảm hứng cho các nhà quản lý ở các nước khác đưa ra những quan điểm tương tự. 

Khi các nước loay hoay quản lý Facebook, Google

Các nền tảng trực tuyến liên tục thu thập các thông tin về người dùng dựa trên khoảng thời gian xem các bài đăng của một người cũng như những gì mà họ click.

Thông tin này giúp các công ty như Facebook có thể nắm được sở thích, các mối quan hệ xã hội hay khả năng tài chính của một người. Những điều này sau đó được sử dụng để đào tạo các thuật toán học máy, thứ sẽ giúp các nhà quảng cáo có thể nhắm chuẩn hơn tới các khách mua hàng tiềm năng của mình. 

Đây là một mô hình kinh doanh cực kỳ sinh lợi. Facebook đã kiếm tới 55 tỷ USD từ các hoạt động quảng cáo vào năm ngoái. Con số này với Google là 116 tỷ USD. 

{keywords}
Những công ty như Facebook đang sở hữu trong tay lượng dữ liệu khổng lồ, đó là lý do họ thực sự có hiểu biết sâu sắc về thói quen, sở thích của từng người sử dụng.

Theo Andreas Mundt, luật pháp phải thay đổi để theo kịp sự phát triển của công nghệ. Các chính phủ nên hạn chế khả năng thu thập dữ liệu của những công ty như Facebook, Google. Việc cách ly dữ liệu giữa các dịch vụ của cùng một chủ sở hữu như cách người Đức đang làm với Facebook là một ví dụ.

Chia sẻ quan điểm này, cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh Châu Âu cho rằng, dữ liệu phải đóng vai trò trung tâm hơn trong việc đánh giá thế nào là một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường trong nền kinh tế kỹ thuật số. Điều này cần đặc biệt chú ý khi xem xét các thương vụ mua bán sát nhập của các công ty công nghệ. 

Trái ngược với quan điểm của Andreas Mundt, nhiều nhà phê bình nói rằng cách tiếp cận mạnh mẽ của người Đức đã mở rộng giới hạn của luật chống độc quyền. Theo họ, những nỗ lực nhằm hạn chế dòng chảy của dữ liệu sẽ gây ra hậu quả ngoài ý muốn.

{keywords}
Andreas Mundt cho rằng các chính phủ nên hạn chế khả năng thu thập dữ liệu của những công ty như Facebook, Google. Tuy vậy, không phải ai cũng tán thành với cách quản lý của nước Đức. 

Với cách giải quyết của nước Đức, ngay cả những người ủng hộ điều này cũng đặt câu hỏi về việc liệu rằng cách tiếp cận đó có hiệu quả hay không. 

Phán quyết chống độc quyền của Đức sẽ cho phép Facebook chia sẻ dữ liệu giữa Instagram và WhatsApp nếu có sự đồng ý của người dùng đồng ý bằng cách click vào một tuỳ chọn mới. Nhiều người tự hỏi phán quyết này sẽ có hiệu quả ra sao khi mà hầu hết mọi người đều sẽ đồng ý với điều khoản đó mà không cần chẳng mảy may suy nghĩ gì.

Theo giáo sư Furman của đại học Harvard, thay vì chỉ dựa vào luật chống độc quyền, các quốc gia nên tạo ra một cơ quan quản lý chuyên dụng cho ngành công nghệ. Cơ quan giám sát chuyên môn trong lĩnh vực này có thể đưa ra quyết định tốt nhất đối với việc sử dụng dữ liệu ở từng trường hợp cụ thể.

Tại Mỹ, nơi luật chống độc quyền có phạm vi hẹp hơn Châu Âu, các chuyên gia cho rằng phương pháp của Đức sẽ không hiệu quả. Tuy vậy, các nhà lập pháp và cơ quan quản lý liên bang Mỹ cũng đang nghiên cứu những cách thức mới để quản lý dữ liệu nhằm đảm bảo sự điều tiết trong nền kinh tế kỹ thuật số. 

Trọng Đạt (Theo NYT)