Khoảng cách giữa hai đại địch chỉ còn rất hẹp, khi Apple đang bứt phá rất nhanh nhờ phong độ ổn định của bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus.

{keywords}

Nghiên cứu mới nhất của Gartner cho hay, thị trường smartphone toàn cầu tiếp tục tăng trưởng trong 3 tháng đầu tiên của năm 2015, với tổng cộng 336 triệu smartphone bán ra trên phạm vi toàn thế giới. Dù vẫn giữ được vị trí số 1 thị trường, song Samsung đã bị giảm cả doanh số tiêu thụ lẫn thị phần trong khoảng thời gian này. Cụ thể, hãng điện thoại Hàn Quốc bán được 81,1 triệu smartphone trong quý, ít hơn 4,4 triệu máy so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của hãng cũng giảm từ 30,4% trong Q1/2014 xuống còn 24,2%.

Ngược lại, Apple lại bán được 60,2 triệu chiếc iPhone trong quý, kiểm soát 17,9% thị phần. Để so sánh, trong Q1/2014, Apple chỉ bán được 43 triệu iPhone và nắm giữ 15,3% thị phần mà thôi. Đứng ở vị trí thứ 3 nhưng thua kém khá xa hai ông lớn đầu bảng là Lenovo, với 19 triệu smartphone xuất xưởng và 5,6% thị phần.

Có thể nói, báo cáo của Gartner tiếp tục phản ánh tình thế khó khăn của Samsung lúc này: Lãnh địa của Samsung bắt đầu bị thu hẹp lại, khi thị phần của hãng liên tục mất vào tay các đối thủ như Apple, Xiaomi... trong nhiều quý gần đây.

Bản thân Samsung cũng thừa nhận mình đang gặp rắc rối trên thị trường smartphone. Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hồi cuối năm ngoái, hãng cho biết chi phí marketing đang tăng chóng mặt để giữ cho sản lượng xuất xưởng được ổn định. Hãng cũng đồng tình rằng việc tung ra quá nhiều model smartphone mới trong năm 2014, không tập trung đủ sâu cho các sản phẩm đinh, chủ lực có thể là một sai lầm.

Tháng 11 năm ngoái, Samsung từng thông báo sẽ cắt gọn danh mục smartphone ra mắt năm nay xuống 1/3. Đến tháng 3 vừa rồi, hãng đã trình làng 2 mẫu smartphone đầu bảng là Galaxy S6 và S6 Edge với thiết kế kim loại hoàn toàn mới và giao diện Touch Wiz cải tiến. Giới chuyên môn nhìn chung đánh giá rất tích cực về bộ đôi này, trang CNET thậm chí còn chấm 4,5/5 sao và gọi đây là "smartphone Android khó bị đánh bại của năm 2015".

Tuy vậy, doanh số của bộ đôi này chưa được phản ánh nhiều trong Q1 của Samsung. Theo dự báo của Gartner, chúng sẽ giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong kết quả kinh doanh quý II, dù vậy, khả năng doanh số tăng trưởng đột biến là rất khó. "Chúng tôi tin rằng tốc độ suy giảm của Samsung sẽ chậm lại, còn việc đổi chiều là khá khó", giám đốc nghiên cứu Anshul Gupta chỉ ra.

Thành công của Apple, đối thủ chính của Samsung, chủ yếu là nhờ châu Á, nhất là ở những thị trường chủ chốt như Trung Quốc. Nhờ đó mà Apple đang rút ngắn khoảng cách với Samsung rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 năm, Apple đã thu hẹp cách biệt về doanh số với Samsung xuống còn một nửa, từ 40 triệu máy xuống còn 20 triệu máy.

Android vẫn vô địch

Bất chấp sự tăng tốc của Apple, hệ điều hành Android của Google vẫn là thế lực thống trị áp đảo thị trường di động. Nền tảng này kiểm soát 78,9% thị trường smartphone trong Q1 với 265 triệu máy bán ra, Gartner cho hay. iOS đứng hạng 2 nhưng cách biệt rất xa, chỉ chiếm 17,9% thị phần. Windows Phone của Microsoft kiểm soát 2,5%.

Tuy thị phần Android có giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014 (80.8%), song ngôi thứ trên bảng xếp hạng hệ điều hành smartphone khó có sự thay đổi ít nhất là trong vài năm tới. Hồi đầu tuần, một hãng nghiên cứu khác là IDC cũng chia sẻ dự đoán về thị trường smartphone đến năm 2019. Theo đó, đến cuối năm nay, Android sẽ kiểm soát 79,4% thị trường toàn cầu và giảm không đáng kể xuống mức 79% vào cuối năm 2019. Thị phần Apple về cơ bản vẫn giữ nguyên: từ mức 16,4% năm nay giảm xuống 14,2% sau 4 năm nữa.

Trong khi phần mềm không có nhiều biến động, cuộc chơi phần cứng lại khốc liệt hơn. Các thương hiệu lớn cần hết sức cảnh giác với những thương hiệu nhỏ mới xuất hiện ở các thị trường đang phát triển. Gartner tiết lộ những thương hiệu nhỏ ở châu Á, Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi đã chứng kiến doanh số tăng tới 73% sau một năm. Dù giá trị tuyệt đối không thể so bì với Apple hay Samsung nhưng kết hợp lại, tổng thị phần của họ đã tăng từ 38% trong Q1/2014 lên 47% trong năm nay.

T.C