- Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức để làm trong 7 năm tới (2014 - 2020), sau khi 5 năm qua (2007-2012), biên chế nhà nước tăng khá nhiều.

Càng nói giảm biên chế càng tăng

Theo số liệu Bộ Nội vụ cung cấp tại hội thảo lấy ý kiến vào đề án này sáng 24/6, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện năm 2012 là 388.480, tăng so với 346.379 biên chế năm 2007. Tổng biên chế cấp xã năm 2012 là 257.675, so với 243.122 năm 2007.

Trong 5 năm đó, số lượng tinh giản biên chế ở trung ương và tỉnh thành là 67.398 người (với kinh phí là 3,18 nghìn tỷ đồng), chủ yếu do nghỉ hưu trước tuổi, chuyển về cơ sở, thôi việc hoặc đi học.

Bộ Nội vụ đánh giá chính sách tinh giản biên chế như vậy chưa thực sự giảm được người cần giảm, vẫn chỉ là tạo điều kiện cho người có nhu cầu ra khỏi bộ máy vì nguyện vọng cá nhân.

Hơn nữa, đưa bao nhiêu người ra lại bổ sung từng ấy người vào, khiến số lượng biên chế không giảm, thậm chí tăng, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP Phạm Tuấn Khải: Cần đánh giá khách quan để biết nơi nào cồng kềnh thì tinh giản, dù là cơ quan hành chính, Đảng, nhà nước hay đoàn thể. Ảnh: Chung Hoàng

"Trong khi ở nhiều cơ quan vẫn thiếu người làm được việc, phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, đến 7-8 giờ tối", ông Trần Anh Tuấn nói.

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn thừa nhận khi ông đương chức, Chính phủ đã rất quyết liệt trong sắp xếp bộ máy, đưa số bộ từ 26 xuống 22, nhưng "chưa có điều kiện làm tinh giản biên chế".

"Chính Thủ tướng cũng nói 'Tôi làm nhiều nhiệm kỳ rồi nhưng cứ nói giảm thì nó lại tăng'", nguyên Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Khải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, thì lưu ý, đây không phải việc mới mà đã làm từ năm 1986, song cách làm còn duy ý chí, thấy nhiều mà sốt ruột muốn giảm.

"Trong khi đây phải là công việc thường xuyên của bất cứ bộ máy nào", ông Khải nhấn mạnh tinh giản biên chế với ý nghĩa "chuẩn lại con người, hợp lý lại tổ chức, tinh gọn lại bộ máy".

Chính vì để tránh "duy ý chí" mà đề án này không đặt chỉ tiêu cụ thể. "Lâu nay tinh giản biên chế có lúc đặt mục tiêu giảm 15%, 20%, nhưng đều không thực hiện được. Thực tế cho thấy áp đặt tỉ lệ là duy ý chí", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Do đó phải thay đổi tư duy: Không chỉ giảm số lượng mà phải đi kèm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Đồng thời, thay vì tập trung vào các cơ quan hành chính như trước, đề án đề cập đến cả các cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.

"Ở bộ, ngành, địa phương thời gian qua tăng biên chế lớn là do phân cấp quyết định biên chế nhưng lại thiếu kiểm soát thống nhất từ trung ương", ông Trần Anh Tuấn nói.

Đề án đưa giải pháp từ nay đến 2016 giữ ổn định tổ chức Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, không tăng biên chế công chức, viên chức ở tất cả các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, trừ trường hợp lập tổ chức mới hoặc giao thêm nhiệm vụ.

Không đạt phải gạt

Một giải pháp được Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh là xác định vị trí việc làm để quản lý biên chế và cơ cấu công chức, viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Đưa bao nhiêu người ra lại bổ sung từng ấy người vào, khiến số lượng biên chế không giảm, thậm chí tăng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Vũ Văn Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ, đồng tình: "Có đủ số lượng biên chế cần thiết theo vị trí việc làm, nghĩa là số lượng đúng. Và tinh nghĩa là chất lượng phải cao".

"Hướng là chất lượng tăng đến đâu thì biên chế giảm tới đó, chứ chất lượng còn 'phọt phẹt' thì đành lấy lượng bù chất, không thể giảm được người", ông Thái phân tích.

Xác định vị trí việc làm cũng làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để công chức, viên chức vào làm phải xứng đáng với vị trí, "không đạt phải gạt", nguyên Vụ trưởng góp ý.

"Nên xác định đến năm 2020 bộ máy hành chính có khoảng 10% chuyên viên cao cấp nắm các chức danh lãnh đạo, 20-25% chuyên viên chính làm nền tảng, 35% chuyên viên và 30% cán sự, nhân viên", ông Thái kiến nghị.

"Từ đó, khâu đầu vào là tuyển dụng, nâng ngạch phải đảm bảo chất lượng thật. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải tinh thật, và phải kiên quyết đưa người không đạt yêu cầu ra khỏi hệ thống".

Nguyên Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đồng tình: "Cứ bảo xác định vị trí việc làm là khó, nhưng một thủ trưởng không biết cơ quan mình cần bao nhiêu người làm nhiệm vụ gì thì làm thủ trưởng làm gì?".

"Không biết tinh giản ai thì có khi người ta giảm anh trước", ông Trần Văn Tuấn nói vui.

Do đó, nguyên Bộ trưởng kiến nghị xem lại cách đánh giá cán bộ: Tổ chức một hội nghị để anh em bỏ phiếu thì nhẹ nhàng cho thủ trưởng quá, kết quả là bình quân, cào bằng, người làm tốt không được khen, người làm kém không bị chê, vẫn đều đều 2 năm lên lương.

"Thủ trưởng phải có quyền đánh giá công chức cấp dưới, chịu trách nhiệm cuối cùng về đánh giá đó, đồng thời cần có cơ chế bảo vệ thủ trưởng bởi nếu không, thủ trưởng chưa kịp đánh giá thì đã có đơn nặc danh tố cáo ông ấy", ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Tuấn Khải cũng thấy cần đánh giá khách quan để biết nơi nào cồng kềnh thì tinh giản, dù là cơ quan hành chính, Đảng, nhà nước hay đoàn thể.

"Nguyên tắc tinh giản biên chế là bình đẳng, về tính chất công việc và năng lực làm việc", ông Khải nhấn mạnh.

Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện, kịp trình Trung ương thông qua và thực hiện từ năm 2014.

Chung Hoàng