Đến khi mình run run mở cặp thì anh ấy nói “Chú đưa đây, tôi nhận cái bưu thiếp chúc Tết của chú và cơ quan chú. Còn quà, chú mang về, góp vào làm việc gì đó có lợi là được…”

Bạn tôi từng lên tới chức “trưởng” một ngành cấp tỉnh và nghỉ hưu được vài năm. Cuối năm, chuyện trò loanh quanh rồi cũng quay về chủ đề quà tết, đi tết. Anh bạn tôi kể…

Lên đến cấp “trưởng”, anh nào chẳng kinh qua mấy chục cái tết lo trên lo dưới đủ bề. Trước hết là lo tết cho anh em trong cơ quan, năm này phải có gì “tươm tươm” hơn năm trước, nghĩa là thành tích cao hơn thì thu nhập, đời sống cũng phải khá hơn, nếu không là có vấn đề ngay với mấy cái lão lớn tuổi, sắp về, không biết ngại ai, sợ ai bất cứ chuyện gì.

Quan trọng hơn là lo chuyện đi tết cấp trên, dù năm nào cũng có văn bản nọ kia báo đăng, đài đọc. Đầu tiên là phải họp cốt cán bàn “chủ trương”, biện pháp; thống nhất được mới triển khai, nếu không có thể… ăn đòn như bỡn!

Thì đó, ông trưởng ngành ở tỉnh H. kia cứ nghĩ tết năm trước mình làm rồi, yên chuyện rồi, năm nay “y sao bản cũ”. Ngờ đâu có đứa “ngứa mồm, ngứa tay”, nó kiện rằng, ông tự tiện làm vì động cơ cá nhân, phớt lờ công đoàn. Nó lại vớ được cả bản danh sách ông nọ, bà kia, số to, số nhỏ, rồi “tâu” lên, thế là ông kia lĩnh đủ!

Đây thì làm bài bản, phép tắc, nếu có sai thì lỗi của… tập thể! Cũng không thể lấy tiền ngân sách vì có muốn cũng không được, khoản nào ra khoản đó bao năm nay rồi. Có một bản hợp đồng hẳn hoi, về việc A, việc B, có danh sách đại biểu, danh sách ký nhận… Cái lão văn phòng cơ quan mình thành thạo lắm, không đến mức thủ trưởng cơ quan phải bóp đầu, bóp trán vì những chuyện như thế.

Rồi nơi xa đi trước, nơi gần đi sau. Thầy trò “hành quân” sớm tối, kín đáo, mau lẹ. Quân ta gặp quân mình những ngày ấy nhiều lắm, gặp chỉ nháy mắt nhau là đủ…

{keywords}
Ảnh minh họa

Mình nhớ nhất hai câu chuyện này.

Mình hồi hộp đến cơ quan một người đồng nghiệp đàn anh với mong muốn được gặp, nói chuyện vài câu cho phải phép rồi đi nơi khác. Nào ngờ anh ấy hỏi chuyện  khá say sưa, khiến mình toát mồ hôi vì dịp ấy chỉ lo tết mà… bỏ bẵng mọi chuyện. Đến khi mình run run mở cặp thì anh ấy nói “Chú đưa đây, tôi nhận cái bưu thiếp chúc Tết của chú và cơ quan chú. Cho tôi cám ơn chú và anh em. Còn quà, chú mang về, góp vào làm việc gì đó có lợi là được. Thế nhé…”

Từ đó trở đi, “chấp hành” ý kiến của anh ấy, năm hết tết đến cứ thế mà làm, tuyệt đối không ho he hóc hách gì!

Câu chuyện thứ hai liên quan đến một vị đầu tỉnh N. Ấy là có đến 2 dịp Tết liên tiếp, thay mặt cơ quan và tất nhiên cả cá nhân, mình đến nhà riêng chúc Tết nhưng lần nào cũng… không gặp, kể cả “bà tỉnh”. Chỉ có người nhà, năm nào cũng thưa rằng, hai bác đi công việc chưa biết lúc nào về!

Mình không dám bình bàn gì về hai câu chuyện nói trên, chỉ mách các ông rằng, cả hai bác ấy sau này đều thăng tiến, đều đang là “cốp” chót vót đấy!

“Thế chuyện lính tráng đi Tết trưởng ngành cấp tỉnh thì thế nào, kể đi?”

Thì mình đi lên từ anh nhân viên, lên cấp phòng rồi cấp ngành, mình lạ gì chuyện đó. Sau này chuyển công tác, mình mới thấy cái “lệ” này gây khó cho cấp dưới, cho anh em nhiều quá.

Trước Tết, rủ nhau đến nhà sếp quà cáp, chúc tụng. Sau Tết lại vẫn rồng rắn kéo kéo nhau “xông nhà” xếp, gọi là mừng năm mới. Thu nhập anh em có đáng bao nhiêu, trong khi trăm công, ngàn việc gia đình, họ hàng, con cháu… đang réo rắt.

Ra thành phố, bỏ được chuyện này, mình thấy thật hay. Không những thế, ngày đi làm đầu xuân, anh em còn được sếp mừng tuổi nữa.

Năm nay, báo đăng, đài đọc liên tục việc không chúc Tết cấp trên, chuyện không mới nhưng hay ở chỗ Trung ương nói và làm kiên quyết, các bộ, ngành hưởng ứng tích cực, chắc chắn cấp tỉnh, thành, cấp cơ sở cũng phải “quán triệt” thật sự, chứ không thể nói rồi để đó như những năm nào!

Tết này, như hai bác kể trên, tiếp tục có thật nhiều các bác làm gương cho “trăm họ” soi vào thì hay biết mấy, các ông nhỉ?

Châu Phú