Khi xây dựng luật, cần đặt ra quy định tài sản tối thiểu phải thu thuế là bao nhiêu. Tài sản bao nhiêu sẽ hưởng mức thuế 0%.

Minh bạch kê khai, chống tham nhũng

Liên quan tới đề xuất thu thuế biệt thự bỏ hoang, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tỏ ra tiếc nuối. Ông cho biết, đề xuất thu thuế biệt thự bỏ hoang đã được chính ông đề xuất từ nhiều năm qua nhưng không thực hiện được.

Theo ông, đánh thuế biệt thự bỏ hoang là giải pháp hữu hiệu chống lãng phí. Trong bối cảnh quá nhiều biệt thự bỏ hoang, lãng phí, ông Nam hy vọng Quốc hội sẽ nhìn ra và sẽ có quyết định sáng suốt.

{keywords}
Đề xuất thu thuế biệt thự bỏ hoang

Ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng khẳng định, thu thuế sở hữu tài sản tư nhân là hợp lý nhằm hạn chế biệt thự bỏ hoang, kiểm soát tài sản cá nhân, góp phần minh bạch trong kê khai tài sản để chống tham nhũng.

Theo ông Hùng, đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản được đưa ra dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước đi trước. Trên thế giới, Luật thuế tài sản đưa ra nhằm hướng tới một cơ chế công bằng, minh bạch giữa người giàu với người nghèo. Đánh thuế tài sản là đánh vào giá trị tài sản của những đại gia sở hữu hàng ngàn mét vuông đất và có tới 5-6 ngôi nhà.

Nhắc lại lời nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Sỹ Liêm, ông Hùng nhấn mạnh, người xây biệt thự phải cần đường to, hạ tầng tốt. Ông lấy ví dụ, người sử dụng ô tô thì phải cần tới đường rộng vài mét vuông, vỉa hè 4m2 để đậu xe, trong khi làm cái lều chỉ cần đường đi 2m2, không cần vỉa hè, nơi đỗ xe,… Vì vậy, nếu đóng thuế như nhau là bất công bằng. Do đó, đề xuất thu thuế thu nhập về tài sản là hoàn toàn chính xác.

Tại Việt Nam, đề xuất thu thuế sở hữu tài sản cũng hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, khi xây dựng luật, cần đặt ra quy định mức thu tối thiểu phải thu là bao nhiêu, tức là, giá trị tài sản bao nhiêu thì phải thu thuế và tài sản dưới mức quy định tối thiếu sẽ không bị thu thuế.

Ví dụ, một gia đình có nhà ở với diện tích sử dụng đất là 100m2 nhưng có tới 5-6 người ở thì thuế tài sản sẽ là bằng 0. Hoặc, quy định diện tích nhà ở từ 150m2 trở lên sẽ phải đóng thuế và thuế là bao nhiêu một người...

"Như vậy là rất bình đẳng, không phải ai cũng phải đóng thuế. Vấn đề ở đây là xác định rõ đối tượng nào, tài sản bao nhiêu thì đánh thuế và tài sản dưới mức nào thì thuế bằng 0". Ông thẳng thắn cho biết, với điều kiện ở Việt Nam có thể có tới 80% người dân Việt Nam được hưởng thuế tài sản bằng 0.

Ông Hùng khẳng định, với chế định thu thuế tài sản chắc chắn sẽ kiểm soát được tình trạng biệt thự bỏ hoang cũng như kiểm soát tài sản cá nhân, góp phần minh bạch trong kê khai tài sản cá nhân để chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn với những dự án bỏ hoang, dự án chung cư, nhà cao tầng xây xong nhưng không sử dụng. Ông cho biết, cái khó của những dự án này là xác lập quyền sở hữu. Nếu dự án đang trong giai đoạn góp vốn, đang hoàn thiện, dở dang thì chưa được coi là tài sản có chủ sở hữu. Trong khi thuế tài sản chỉ áp dụng khi tài sản được xác lập quyền sở hữu giữa người mua với chủ đầu tư.

Do đó, những dự án như vậy chỉ có thể thực hiện thu hồi trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết, ông nói.

Sẽ có thêm nhiều thuế nữa

Trao đổi thêm với Đất Việt, ông Nguyễn Thành Tiến – Giám đốc tổ chức đầu tư Nik Captial hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên của Tổng Hội xây dựng Việt Nam.

Vị chuyên gia giải thích, ở các nước trên thế giới họ đã thu thuế tài sản từ rất lâu, trên cơ sở, nhà nước cần có nguồn thu mà những người có tiền mua tài sản cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân, thuế sở hữu tài sản tư nhân…

“Đó là xu hướng tất yếu. Sớm muộn cũng sẽ phải thu và sẽ có thêm nhiều loại thuế nữa. Những người làm được nhiều tiền cũng nên đóng góp một phần phục vụ nhà nước”, ông Tiến nói.

Theo ông, không riêng gì Trung Quốc mà nhiều nước Châu Âu cũng đã áp dụng loại thuế này từ hàng chục năm nay. Trên cơ sở là nước đi sau, Việt Nam cần cân nhắc, từng bước tuyên truyền, phổ biến trước cho người dân hiểu và chấp hành nộp khoản thuế này.

"Bước đầu có thể là kêu gọi tự nguyện đóng góp, rồi mới kêu gọi đưa vào luật. Với những trường hợp mới đăng ký quyền sở hữu, có thể thực hiện thu thuế ngay. Với những tài sản đã có sẵn thì khuyến khích những những người đóng sớm, có thể có chính sách ưu đãi với những đối tượng này. Riêng với những người có tài sản nhưng chây ì, không chịu nộp thuế, ông Tiến cho hay sẽ truy thu và áp dụng thêm hình thức phạt để răn đe", vị chuyên gia đề xuất.

Về ý kiến cho rằng, thu thuế tài sản sẽ được coi là công cụ giúp kiểm soát tài sản cá nhân, minh bạch kê khai tài sản để chống tham nhũng, ông Tiến tỏ ý không đồng tình.

Vị chuyên gia nói thẳng, nếu nói thu thuế tài sản để kiểm soát tài sản cá nhân, minh bạch quá trình kê khai tài sản, phòng chống tham nhũng là vô ích.

"Với những cán bộ công chức, lãnh đạo họ sẽ không bao giờ mong muốn bị tóm đằng đuôi, cũng như không muốn công khai tài sản của họ. Do đó, tài sản có có thể được đứng tên dưới hình thức là bà con, họ hàng xa, người quen rồi thực hiện các bước mua bán, chuyển nhượng hoặc thực hiện hợp đồng ủy quyền trong khoảng thời gian 15 – 20 năm… Nếu đã không muốn kê khai, họ có rất nhiều các đề tránh. Không thể kiểm soát tài sản, cũng như kê khai tài sản được", ông Tiến cho hay.

Theo Đất Việt