Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021.

Theo đó, để kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đô thị lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, Chính phủ yêu cầu 14 Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc. 

{keywords}
Đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 1km và rộng khoảng 6m nhưng đang phải gánh tải cho hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng.

Chính phủ cũng nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với 14 Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Chính phủ lưu ý riêng với UBND các thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện, cụ thể hóa đồ án Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng phương án quy hoạch không gian ngầm, mặt đất và không gian trên cao, trình Chính phủ phê duyệt.

Tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng các quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện… khỏi khu vực nội thành, gắn với bố trí quỹ đất và hạ tầng phục vụ các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành.

"Chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị", Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị, tính toán nhu cầu giao thông phát sinh của công trình, đảm bảo an toàn giao thông và không gây ùn tắc giao thông. Khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch toàn ngành và các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

{keywords}
Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) có nhiều cao ốc mọc lên trên nền những nhà máy, xí nghiệp cũ. Khu vực này cũng có nhiều tuyến đường trở thành “điểm đen” ùn tắc với nhiều dự án nhà cao tầng chen nhau ngay từ khi dự án còn đang xây dựng.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, bảo đảm khả năng đáp ứng, kết nối giao thông đô thị; đảm bảo quy mô diện tích đỗ xe trong đô thị, các công trình xây dựng, không gian vỉa hè, lối đi bộ…

1km đường rộng 6m gánh hơn 20 cao ốc

Trước đó, Thủ tướng cũng có ý kiến, lưu ý các bộ ngành xây dựng giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. HCM theo hướng, không tiếp tục phát triển chung cư căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm.

Tuy nhiên thực tế hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều khu đô thị, tổ hợp nhà ở có mật độ xây dựng những tòa nhà cao tầng san sát nhau với mật độ dày đặc, được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Như trên tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 1km và rộng khoảng 6m nhưng hàng ngày đang phải gánh tải cho hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng "đua nhau" mọc lên gây nên cảnh quá tải và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Ngay đó, đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… cũng dày đặc cao ốc. Những con đường này trở thành “điểm đen” tắc đường và ngập nặng khi mưa lớn tại khu vực Thanh Xuân.

Nếu các dự án tại đây đều đưa vào hoạt động với ước tính 4 người/căn hộ thì riêng trên phố Nguyễn Tuân sẽ khoảng hơn 3-4 vạn nhân khẩu tương đương với số nhân khẩu trong một phường ở Hà Nội. Tất cả đang đẩy khu vực này ngột thở vì ùn tắc giao thông hàng ngày và ngập nặng khi mưa lớn.

Hồng Khanh 

Ngột ngạt nội đô: 2 triệu người chen nhau 1km2

Ngột ngạt nội đô: 2 triệu người chen nhau 1km2

Chung cư cao ốc chen chân trong nội đô dẫn đến cảnh ùn tắc giao thông khó gỡ tại Hà Nội, TP.HCM