Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND TP xem xét ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

{keywords}
Dự kiến sau điều chỉnh, giá đất ở cao nhất tại Hà Nội như tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ… khoảng 187 triệu đồng/m2.

Theo đó, để xác định bảng giá đất mới, cơ quan khảo sát đã xác định 584 điểm điều tra tại 584 phường, xã, thị trấn (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn) thuộc địa bàn 30 quận/huyện/thị xã.

Với giá đất ở đô thị, giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các quận nội thành phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Giá chuyển nhượng đất ở thực tế trên thị trường tại các huyện phổ biến dao động từ 1,2 triệu đến 70 triệu đồng/m2.

UBND TP Hà Nội thừa nhận "giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND TP". Tuy nhiên, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.

Vì vậy, UBND TP thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.

UBND TP trình giữ nguyên giá đất nông nghiệp như đang áp dụng. Với bảng giá đất ở tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều, tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều.

Việc điều chỉnh không tác động đến đại bộ phận người dân?

Đề cập những tác động từ điều chỉnh giá đất, UBND TP Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh tăng giá đất ở sẽ tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tăng số thu từ tiền sử dụng đất đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tăng nguồn thu từ thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ về đất.

{keywords}
Khảo sát giao dịch trên thị trường hiện nay, 1m2 đất trên phố Lê Thái Tổ có giá hơn 1 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế TP Hà Nội, dự kiến với phương án điều chỉnh tăng giá đất bình quân 15% trong giai đoạn 5 năm tới, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng. Điều này làm tăng chi phí với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình, cá nhân, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369 tỷ đồng. Theo đó, với mức tăng khoảng 15% tương ứng với số tiền khoảng 57 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm một hộ dân chỉ đóng thêm gần 45.000 đồng.

Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 1/1/2022 mới phải thực hiện điều chỉnh theo bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất sẽ không nhiều. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội khẳng định "việc điều chỉnh giá đất không gây nhiều tác động đến đại bộ phận người dân".

Đối với các dự án đầu tư, UBND TP Hà Nội cho rằng việc tính tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư được thực hiện theo các phương pháp xác định giá đất cụ thể, không phụ thuộc vào bảng giá đất.

Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội “Về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024”, giá các loại đất được thành phố đề xuất tăng bình quân 30%.

Việc khung giá đất tăng cao khiến nhiều người dân cho rằng giá đất tăng chi phí đầu vào sản phẩm bất động sản đương nhiên tăng theo, kéo theo giá nhà tăng theo, giấc mơ có được ngôi nhà của họ ngày càng xa vời.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định, mức giá của khung giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản. Theo đó, làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

“Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Giá thành nhà ở bao gồm nhiều thành tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự”, ông Châu nói.

{keywords}
Khu "đất vàng” số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng từng gây xôn xao dư luận với mức bồi thường 1 tỷ đồng/m2 cho người dân.

Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng bộ phận Định giá Savills TP.HCM cho hay, giá đất giao dịch trên thị trường đã khác biệt rất lớn so với giá đất quy định trong bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành. Khác biệt này đặc biệt thể hiện rõ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo bà Linh, khung giá đất hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị trường làm cho người bị thu hồi đất bị thiệt thòi và không đồng thuận. Đồng thời, làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung.

Vị trưởng Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM cũng cho rằng, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, chúng ta có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường.

"Giá đất bị điều chỉnh bởi cung cầu của thị trường nên luôn thay đổi từng ngày từng giờ. Do đó về dài hạn nên thay đổi việc ban hành khung giá đất cố định cho một giai đoạn dài đến 5 năm. Thực tế đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa giá đất giao dịch trên thị trường và giá đất quy định theo khung giá và bảng giá đất. Nên chăng các nhà làm luật chỉ nên quy định rõ ràng cơ chế, phương pháp xác định giá trị thị trường", bà Linh đề xuất. 

 

* Chiều nay, HĐND TP.Hà Nội đã quyết định rút nội dung điều chỉnh giá các loại đất trên địa bàn TP (áp dụng từ 1.1.2020 đến 31.12.2014) khỏi chương trình.

Theo HĐND TP.Hà Nội, lý do của việc rút nội dung này là vì Chính phủ chưa ban hành nghị định về khung giá đất mới, do đó HĐND TP cũng chưa có cơ sở để thảo luận và quyết nghị nội dung trên.

Việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn TP do yếu tố tâm lý như các chủ đầu tư "tranh thủ" tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng. Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.

Hồng Khanh 

Hai đô thị lớn nhất nước đều đề xuất tăng 30% giá đất

Hai đô thị lớn nhất nước đều đề xuất tăng 30% giá đất

Mới đây khi xin ý kiến đóng góp vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024, UBND TP Hà Nội đã đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất.