Càng sát Tết Nguyên đán, thị trường mua bán đặc sản, hàng hóa phục vụ trên các trang mạng càng sôi động với muôn vàn mặt hàng, chủng loại. Song lợi dụng việc không thể nhìn, xem sản phẩm trực tiếp của phương thức bán hàng online, nhiều đối tượng đã trà trộn sản phẩm kém chất lượng, không những gây thiệt hại về vật chất, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.

Khô gà là món ăn được nhiều người tìm mua trên mạng xã hội.

Mặt hàng gì cũng có

Các sản phẩm phục vụ Tết được giới thiệu rất đa dạng trong các nhóm mua bán online như: Chợ quê, đồ homemade, đồ handmade... Trong đó, sản vật trung du, miền núi phía Bắc có: Thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Sản phẩm miền Trung có đặc sản nem chua, giò bê, bánh tôm..., hay trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều, rong biển từ vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ... Các sản phẩm đều được giới thiệu là sản phẩm “nhà làm”, nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Mặc dù nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không được đăng ký chất lượng nhưng việc mua bán vẫn nhộn nhịp do chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

Tại một trang Facebook có tên "Khô gà lá chanh", giá lạc rang tỏi ớt là 95.000 đồng/kg, khô gà 45.000 đồng/100g, heo khô cháy tỏi 50.000 đồng/100g… Hay trang Facebook khác có tên "Hồng sấy dẻo" đăng bán các loại hồng sấy, hồng treo gió rất bắt mắt, song bao bì không hề có thông tin địa chỉ, thành phần, hạn sử dụng sản phẩm.

Tại trang Facebook "Tổng kho táo đỏ" đăng bán sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc với giá 88.000 đồng/kg, trong khi giá mặt hàng này tại nhiều trang thương mại điện tử uy tín là trên 200.000 đồng/kg… Hay trang NM bán thịt lợn ba chỉ sấy và lạp xưởng với giá 350.000 đồng/kg; thịt lợn nạc sấy từ 540.000 đồng/kg, thịt trâu hơn 900.000 đồng/kg... Theo chủ trang này, đây đều là các sản phẩm được đặt từ nguồn uy tín tại các tỉnh Tây Bắc.

Đáng nói, đây đều là các địa chỉ thực phẩm homemade, handmade tự giới thiệu hoặc được giới thiệu lẫn nhau giữa những người quen biết... rồi tạo sức lan tỏa khá hiệu quả trên trang mạng xã hội. Sản phẩm thường có giá cao hơn so với giá thị trường vì được "tiếng" là đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Các trang bán hàng này có lượt tương tác rất lớn, cho thấy lượng người giao dịch, mua bán là không nhỏ.

Hồng dẻo, được quảng cáo là đặc sản Đà Lạt nhưng không nhãn mác, bán tràn lan trên mạng.

Tăng cường kiểm soát thị trường online Tết

Chị Thu Hương (trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mùa Tết 2020, sau khi tìm hiểu qua nhiều mối quen, chị đã chọn được một địa chỉ bán hàng online để mua khô gà lá chanh vừa làm quà biếu, vừa để nhà ăn. Đơn hàng đầu tiên chị Hương chỉ đặt số lượng nhỏ, khi thấy sản phẩm khá “vừa miệng”, chị đã đặt số lượng lớn. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm ở đợt hàng thứ hai kém hơn đơn hàng đầu tiên. “Cũng may mình kiểm tra lại nên chưa gửi làm quà như dự định ban đầu”, chị Hương kể và đành "ngậm ngùi" cho qua vì bận bịu nên không còn thời gian thắc mắc với người bán.

Trên thực tế, có không ít người như chị Hương mua phải sản phẩm của các cửa hàng "treo  đầu dê, bán thịt chó", trong đó có cả các sản phẩm gắn mác “đặc sản”, “nhà làm” trên các trang mạng xã hội vào dịp Tết.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, các mô hình kinh doanh đồ handmade, homemade, đặc biệt là đồ ăn, bánh mứt kẹo... thường có quy mô nhỏ lẻ và đặc thù phục vụ một nhóm khách hàng nhất định. Đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm loại này chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, do đó, khó có thể bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Ngoài ra, khi chế biến, các cơ sở nhỏ lẻ hạn chế về các điều kiện vệ sinh an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng, vì thế tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Liên tục thời gian qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ buôn bán hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng nói, đây đều là các loại hàng hóa có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Tiêu biểu như ngày 18-1, Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá cơ sở sang chiết và đóng hộp rượu do nước ngoài sản xuất tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Trước đó, vào các ngày 8-12-2020 và 13-1-2021, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ hàng trăm thùng carton chứa hồng dẻo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được tuồn vào nội địa tiêu thụ trước nhu cầu tăng cao…

Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sang chiết, dán nhãn mác cho rượu giả tại một địa điểm ở phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội).

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Công tác này tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết… Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Trước thực tế hoạt động buôn bán kinh doanh trên sàn thương mại điện tử còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa có đơn vị chuyên trách kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm trên internet, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là nông sản, thực phẩm, cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn và tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn. Người tiêu dùng cũng cần tham khảo các đánh giá, phản hồi của các khách hàng từng mua sản phẩm để có nhận định đúng về gian hàng. Ngoài ra, cần kiểm tra các thông tin liên hệ với người bán như số điện thoại, địa chỉ giao dịch để có kiểm chứng khi cần thiết.

Theo Hà Nội mới online