Lần thứ 2, người đó gọi điện thoại hẹn gặp và tôi đồng ý đi chơi cùng người đó. Lúc đầu tôi cũng không biết người đó có gia đình hay chưa. Tôi cũng không có tình cảm gì với người đó, nhưng sau khi uống bia say thì có xảy ra quan hệ. Khi tôi thông báo có con với người đó thì người đó mới nói là đã có gia đình rồi và người đó vẫn đồng ý để tôi sinh con. Trong lúc tôi mang thai, đến lúc tôi sinh và tới lúc con 4 tháng tuổi, người đó cũng có quan tâm, mua sữa, mua đồ dùng cho con.  Nhưng đến khi tôi đi làm giấy khai sinh cho con thì người đó không đồng ý đứng tên cha trên giấy khai sinh của con và tôi đã nhiều lần nói với người đó nhưng đến giờ con tôi sắp 01 tuổi, người đó vẫn im lặng và không có trách nhiệm gì với con cả. 

Người đó hiện là đảng viên và là giám đốc một trung tâm của Viện thuỷ lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp. Cho tôi hỏi: Tôi có quyền tố cáo đến cơ quan người này đang công tác về việc Đảng viên này có con ngoài giá thú và yêu cầu người này phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với con tôi hay không? Nếu người này vẫn tiếp tục vô trách nhiệm thì tôi cần phải cung cấp thông tin gì để kiện ra toà yêu cầu người này phải có trách nhiệm với con.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình: 

Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ)

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 

{keywords}
Ảnh minh họa.

Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình(Luật HNGĐ)

 Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Cấm các hành vi sau đây:

Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;….

Theo thông tin chị cung cấp, vẫn chưa thể xác định được ông X có hành vi “chung sống như vợ chồng” với chị hay không, việc có con chung với chị không thể đánh đồng với hành vi “chung sống như vợ chồng” theo quy định.

Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. (tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC).

Theo đó, chưa đủ cơ sở để chị tố cáo hành vi của ông X là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chị vẫn có thể yêu cầu tổ chức Đảng mà ông X hiện đang sinh hoạt xem xét về hành vi vi phạm của ông X căn cứ Khoản 8 Điều 17 Hướng dẫn 03-HD/2012/UBKTTW quy định về những điều đảng viên không được làm:

“8. Chưa có vợ, có chồng, đang có vợ, có chồng mà sống chung hoặc quan hệ như vợ chồng với người khác.”

Về vấn đề yêu cầu ông X có trách nhiệm với người con của chị, thì chị được pháp luật công nhận ông X là cha của đứa bé. Theo đó, chị có thể thực hiện thủ tục yêu cầu xác định cha cho con tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi chị cư trú, làm việc để cầu xác định ông Y là cha của đứa bé. 

Hồ sơ để bao gồm:

- Đơn khởi kiện (nội dung trình bày vụ việc và yêu cầu xác định cha cho con)

- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của mẹ (photo có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu của mẹ (photo có chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (photo có chứng thực);

- Văn bản, giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha - con của bạn và cháu bé như: Kết quả giám định ADN, thư từ, tài liệu, phim ảnh, người làm chứng,...

Trong thời gian 04 tháng đến 06 tháng toà án sẽ giải quyết vấn đề này cho chị. 

Tư vấn bởi luật sư Phạm Thị Thoa thuộc cộng đồng luật sư IURA

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc