- Gia đình tôi có 8 người con. Năm ngoái, bố tôi qua đời không để lại di chúc, tài sản chung của bố mẹ là ngôi nhà trị giá 3.5 tỷ đồng. Anh em chúng tôi đồng ý ký chuyển thừa kế cho mẹ tôi và đã hoàn tất thủ tục,có sổ hồng chứng nhận. 

Nhưng không sao hiểu sau khi nhận nhà, nghe lời xúi giục, mẹ tôi đòi chia đôi đất đai ngôi nhà và sang nhượng quyền sở hữu cho anh trai đầu mà không hề trao đổi với bất cứ người con nào khác.

Chúng tôi không có ý kiến gì khi để anh trai cả nắm giữ một nửa tài sản đó, nhưng điều chúng tôi lo lắng, là người vợ của anh đang có ý định ly hôn do ngoại tình, và muốn giành chia tài sản. 

Xin hỏi luật sư nếu hiện tại, nếu chúng tôi khuyên được mẹ chuyển quyền sở hữu đó cho con trai của anh tôi, tức cháu đích tôn năm nay 16 tuổi thì có được chấp nhận không? Cháu tôi dù 16 tuổi nhưng vẫn có thể có bố làm giám hộ hợp pháp. Trong trường hợp không thể khuyên được, anh em tôi có thể hủy việc chuyển thừa kế cho mẹ được không?

{keywords}
Vợ của anh chỉ chực chờ chồng lấy nhà rồi ly hôn nhằm chia tài sản (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Quyền của người sử dụng đất.

Căn cứ theo quy định của Luật Đất Đai 2013, quy định thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. 

Theo thông tin bạn cung cấp  ngôi nhà và quyền sử dụng đất đã được đăng ký quyền sử dụng đất mang tên mẹ bạn và anh em bạn. Khi đó, mẹ bạn được nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp về đất đai. 

Theo quy định tại điều 692 Bộ luật Dân sự 2005 việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.Vì vậy sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mẹ bạn có quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho mà không cần hỏi ý kiến các con.

Thứ hai: Việc tặng cho quyền sử dụng đất cho cháu trai 16 tuổi.

Theo Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 77 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ”.

Phạm vi đại diện được quy định tại khoản 1 Điều 144 BLDS 2005 như sau: “Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, nếu anh em bạn thuyết phục được mẹ bạn tặng cho một nửa ngôi nhà cho con trai của anh bạn thì anh bạn có thể đại diện cho bên nhận tặng cho. Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc