- Tôi vi phạm lỗi điều khiển phương tiện xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định (48km/h trong khi quy định là 40 km/h - vượt quá tốc độ qui định 8km/h), và bị lập biên bản tạm giữ giấy tờ xe tại tỉnh Đồng Nai. Vì nơi ở hiện tại (Hồ Chí Minh) cách quá xa nên chưa thể lên nộp phạt nhận lại giấy tờ tại Trạm KSGT Ngã Ba Thái Lan, Đồng Nai (nơi này được ghi trong biên bản). Xin hỏi Luật sư tôi có thể nộp phạt tại Hồ Chí Minh và nhận lại giấy tờ qua bưu điện thay vì phải lên tận nơi nộp phạt được không? Hoặc tôi có thể làm như thế nào để hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt và nhận lại GPLX mà không cần đến nơi nộp phạt vì nó quá xa so với địa chỉ hiện tại tôi đang sinh sống?

{keywords}
Tôi biết mình vi phạm nhưng điều kiện nộp phạt có nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc Ngoc Minh Bui Thi btngocminh@gmail.com hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013: Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt:

“1. Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:

a) Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt;

b) Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt;

c) Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 56, Khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính ”

Theo quy định trên, việc nộp xử lý vi phạm hành chính có những cách sau:

Thứ nhất, nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt;

Thứ hai, nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt;

Thứ ba, nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 56, Khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, trường hợp của bạn thì bạn có thể chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Nghị định số 81/2013/NĐ-CP Điều 10. Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt

2. Trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp phạt vào tài khoản Kho bạc nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp vào tài khoản của Kho bạc nhà nước, thì người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả.

Sau khi bạn đã nộp tiền phạt thì trong thời hạn 05 ngày người tạm giữ sẽ gửi trả lại các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức thư bảo đảm.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc