Sáng 5/9, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. 

Thúc đẩy các gói du lịch “một hành trình ba điểm đến”

Thủ tướng ba nước nhất trí cho rằng, thực tiễn lịch sử đấu tranh giành độc lập, cũng như bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đã khẳng định việc không ngừng củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Lào và Campuchia là nhu cầu tất yếu khách quan, đồng thời có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả ba nước. 

Với tinh thần đó, ba Thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc song phương, ba bên thường xuyên nhằm không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, cùng nhau trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Manet. 

Đồng thời, tìm biện pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quan hệ ba nước; tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên hiện có. Trong đó có việc phối hợp sớm tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển CLV lần thứ 12 và cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023; đẩy mạnh giao lưu, tập huấn thanh niên và lãnh đạo trẻ nhằm vun đắp cho tương lai quan hệ hợp tác giữa ba nước. 

Ba Thủ tướng đánh giá hợp tác an ninh - quốc phòng có nhiều tiến triển; nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận và cơ chế hợp tác hiện có, tăng cường chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả hợp tác về chống tội phạm mạng, xuyên biên giới…

Lãnh đạo Chính phủ ba nước nhất trí tiếp tục có các chính sách, biện pháp tạo điều kiện và khuyến khích hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư; trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước.

Cùng với đó là đẩy mạnh hơn nữa kết nối giữa ba nền kinh tế, gồm cả kết nối hạ tầng cứng và kết nối hạ tầng mềm, chuỗi sản xuất, cung ứng đồng thời phối hợp khai thác lợi thế cạnh tranh của ba nước về tiềm năng di sản, văn hóa, ẩm thực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về hợp tác du lịch. Trước mắt, ba nước thúc đẩy các gói du lịch “một hành trình ba điểm đến”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hợp tác với Lào và Campuchia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị ba nước tiếp tục thúc đẩy, giải quyết các vấn đề tồn đọng để sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền nhằm xây dựng và duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. 

Thủ tướng cảm ơn và mong muốn Chính phủ Lào và Campuchia tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người gốc Việt ở Lào và Campuchia được sinh sống ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại.

Doanh nghiệp Indonesia muốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu Indonesia nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Indonesia và Việt Nam vì sự thịnh vượng trong khu vực. 

Các doanh nghiệp Indonesia bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực tài chính ngân hàng; chuyển đổi xanh, trong đó có chuyển đổi năng lượng như năng lượng tái tạo, xe điện; đầu tư công nghiệp khai khoáng; đầu tư bất động sản, trong đó có phát triển nhà ở xã hội; liên kết trong sản xuất nông nghiệp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các doanh nghiệp Indonesia đã đầu tư vào Việt Nam; hoan nghênh, nhất trí với các lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm, phù hợp với định hướng phát triển của hai nước và xu thế của thế giới…

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng các chương trình, dự án, hiệp định hợp tác cụ thể, thiết thực, lâu dài, ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. 

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Indonesia tiếp tục phát huy tối đa khả năng, lợi thế của hai bên; sự năng động, sáng tạo; thực hiện đúng các cam kết đầu tư: “đã nói là làm”; “đã cam kết là thực hiện”; tuân thủ quy định pháp luật; phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động, cùng Việt Nam phát triển thịnh vượng.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mà Indonesia có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, nhất là hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, điện tử, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Indonesia triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và lâu dài ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Như Sỹ, Nguyễn Duy Tuấn, Trần Quốc Huy, Nguyễn Xuân Long