Ngày 25/1/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025. Theo đó, từ cuối năm 2016 đến đầu 2019, có 9/10 Bộ, ngành phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN tại Việt Nam và 58/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Đề án.

Đề án bao gồm các hoạt động: xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; xây dựng cộng đồng hòa nhập; xây dựng cộng đồng bền vững; xây dựng cộng đồng tự lực tự cường; xây dựng cộng đồng năng động.

Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị Quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161).

Đây là hoạt động thường niên được Bộ ưu tiên, chú trọng thực hiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN nói chung và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN nói riêng. 

Cụ thể, trong các ngày 28/9 và 6/10/2023, hội nghị nhóm họp các thành viên của Ban Thư ký ASEAN tại Indonesia, Bộ LĐ-TB&XH, Ngoại giao, Công Thương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành thuộc Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN tại Việt Nam cùng lãnh đạo sở, ngành liên quan đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam (tại TP.HCM) và phía Bắc (tại Vinh, Nghệ An), theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, năm 2021-2022, Bộ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thực hiện Đề án 161 giai đoạn 2021-2025.

asean 1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 5/9/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Các kế hoạch đã lồng ghép được hầu hết mục tiêu của kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN thông qua những hoạt động ngày càng cụ thể hơn, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển 5 năm, 10 năm của từng bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Tuy vậy, theo đánh giá sơ bộ trong giai đoạn 2021-2023, do khách quan ảnh hưởng của Covid-19, việc triển khai vẫn chưa đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Vấn đề nguồn lực còn khá hạn hẹp.

thu truong bo ldtbxh.jpg
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị ở TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Nghệ An 

Các cán bộ chuyên trách thiếu hoặc phải kiêm nhiệm cùng nhiều vấn đề khác nên kiến thức về ASEAN nói riêng và hội nhập trở thành rào cản khá lớn.

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao - Quyền Trưởng SOM Việt Nam cũng sơ lược về Cộng đồng ASEAN có 3 đặc trưng chính.

Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam không chỉ nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một nước thành viên, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của ASEAN được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao.

Từ hiện thực hóa ASEAN-10 đặt viên gạch đầu tiên cho Cộng đồng ASEAN, bản Hiến chương ASEAN đưa hợp tác ASEAN vào nền nếp, đến các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN qua từng giai đoạn, Việt Nam đều ghi dấu ấn đóng góp quan trọng, khẳng định vai trò và vị trí của một quốc gia thành viên gắn bó chặt chẽ, có trách nhiệm đối với ASEAN...

Từ Thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Benjamin Loh, Trưởng phòng, Ban Thư ký ASEAN đã chia sẻ trực tuyến về ASEAN và các ưu tiên của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) 2021-2025, trong đó, ông nhấn mạnh nội dung về tình hình thực hiện Kế hoạch Tổng thể ASCC 2025; chuẩn bị xây dựng tài liệu định hướng của ASCC sau năm 2025; ưu tiên và văn kiện của ASCC trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia.

Hội nghị đã thống nhất với đề xuất cần thúc đẩy phân bổ nguồn lực, nhân lực và tài chính, chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Đề án 161 nói riêng, hợp tác ASEAN nói chung trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới. 

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong thanh niên

Mới đây tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, ngày 27/10.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2022 với sự bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Cộng đồng ASEAN với hơn 200 triệu thanh niên đã chứng tỏ sự kiên cường, năng lực thích ứng với tinh thần đoàn kết, cùng nhau không chỉ vượt qua thách thức mà còn vươn lên trong nghịch cảnh để phát triển.

hoi nghi 1.jpg
Ảnh: Cổng TTĐT Trung ương Đoàn

Đánh giá cao vai trò của thanh niên, Thứ trưởng nhận xét: "Thực tiễn lịch sử thế giới đã chứng minh, ở đâu có lực lượng thanh niên trí tuệ, thích ứng cao thì khu vực đó, cộng đồng đó càng vững mạnh và phát triển. Thanh niên chính là khởi nguồn của sáng tạo, của đổi mới, của cống hiến và thịnh vượng của mỗi quốc gia và của toàn khu vực".

Do đó, Thứ trưởng khẳng định, với tư cách là cơ quan điều phối, chủ trì Cộng đồng văn hoá - xã hội ASEAN tại Việt Nam, Bộ luôn coi trọng tăng cường nhận thức của thanh niên về Cộng đồng ASEAN và ý thức thuộc về Cộng đồng.

Cùng với sự phát triển tốt đẹp của hợp tác ASEAN nói chung, quan hệ hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thanh niên ngày càng được mở rộng. Các hoạt động hợp tác thanh niên ASEAN thời gian qua đã tạo cơ hội để thanh niên gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu về cộng đồng ASEAN và các nước thành viên.

Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác thanh niên ASEAN trong đó có Kế hoạch hành động thanh niên ASEAN. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đều ghi nhận rằng, ASEAN có thể không phải là khu vực phát triển nhất nhưng là một trong những khu vực năng động nhất, triển vọng nhất và trẻ trung nhất. Có thể nói, sức mạnh của khối đại đoàn kết với hàng trăm dân tộc trong “Ngôi nhà chung ASEAN” đang là nguồn lực quan trọng, mạnh mẽ để Cộng đồng ASEAN vượt qua mọi khó khăn, thách thức.