Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, tín dụng xanh hướng tới một nguồn tài chính bền vững trong tương lai. Tín dụng xanh là một yếu tố, biểu hiện của tài chính bền vững nhằm tiến tới sự phát triển bền vững nói chung.

Tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối 12 dự án xanh do cơ quan này xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).

Trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. 

ngan hang.jpg
Tiềm năng tăng trưởng cho vay xanh tại Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Hà)

Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lí nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Finastra, công ty công nghệ tài chính toàn cầu vừa công bố cáo khảo sát tài chính hàng năm.  Trong báo cáo này, các ngân hàng Việt Nam được đánh giá đi đầu trong top những ngân hàng khám phá AI tạo sinh (Generative AI), tăng trưởng mạnh mẽ về mô hình tài chính nhúng và ngân hàng dịch vụ BaaS. Đồng thời, tiềm năng tăng trưởng cho vay xanh còn biên độ rộng.

Theo Finastra, tài chính tập trung vào môi trường- xã hội- quản trị (ESG) được kỳ vọng có thể mang lại lợi ích cho cả các tổ chức tài chính và cộng đồng, với 91% ở Việt Nam đồng ý rằng việc tập trung vào ESG và phát triển bền vững sẽ là sự đột phá lớn tiếp theo trong lĩnh vực tài chính. Đây là mức cao nhất trên toàn cầu, và cao hơn 10% so với mức trung bình toàn cầu (79%).

Cụ thể, 82% các nhà lãnh đạo tài chính tại Việt Nam tin rằng cho vay xanh mang lại cơ hội tăng trưởng và tạo doanh thu. Một trong những chìa khóa để khai thác tiềm năng này là Generative AI. 

Trong số những ngân hàng quan tâm đến công nghệ, ứng dụng phổ biến nhất của Generative AI trong cho vay xanh là thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu ESG hoặc phân loại các tiêu chí cho vay (36%). Tại Việt Nam, 44% các ngân hàng có kế hoạch sử dụng Generative AI trong cho vay xanh. Đây là tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu, chỉ sau Ả Rập Xê Út (47%).

Ông Simon Paris, Giám đốc điều hành tại Finastra, cho biết: “Mặc dù trong điều kiện kinh tế đầy thách thức, việc đầu tư vào AI, BaaS và tài chính nhúng vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các tổ chức dịch vụ tài chính trong 12 tháng tới, đặc biệt là khi các tổ chức này mong muốn nâng cao và cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ với các sáng kiến ESG, hợp tác xung quanh lĩnh vực Open Finance và sử dụng các công nghệ tiên tiến như AI để nắm bắt các cơ hội phía trước.” 

Ngoài tiềm năng cho vay xanh, công ty công nghệ tài chính toàn cầu này cũng đánh giá Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về triển khai tài chính nhúng và ngân hàng như một dịch vụ (BaaS). Có 58% tổ chức tài chính Việt Nam đã triển khai hoặc cải thiện khả năng tài chính nhúng trong 12 tháng qua, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 41%.

Bảo Anh