Hội thảo do Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức, với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, trong hơn 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, kể cả trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2022 tăng trưởng của tỉnh đạt gần 270.000 tỷ đồng, gấp 103 lần so với năm 1986; ước hết năm 2023 đạt gần 312.420 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đứng nhóm đầu của cả nước; là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt gần 70%. 

quangninh hoithao1.jpg
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu khai mạc hội thảo

Trong suốt hành trình đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi và đi tiên phong thử nghiệm những cách làm mới chưa có tiền lệ, mang tính đột phá, giúp tạo nên những kỳ tích phát triển.

Quảng Ninh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng vào chất lượng phát triển, tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát huy văn hóa, xã hội, môi trường là nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững.

Qua quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, từ thực tiễn thực thi các chủ trương, chính sách, có thể đúc kết được nhiều bài học quý báu, trong đó có 3 bài học quan trọng: chủ động bám sát, nắm chắc, tiếp thu, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Trung ương phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể, lợi thế riêng có của tỉnh Quảng Ninh...; Không ngừng đổi mới tư duy phát triển, xác lập tầm nhìn chiến lược; chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan và hợp với lòng dân... ; Giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Tại hội thảo này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia…để giúp Quảng Ninh có thêm nhận thức mới để xây dựng Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân hạnh phúc và thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030 đạt tăng trưởng kinh tế GRDP trên 10%.

quangninh hoithao2.jpg

Tại hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận chính: Phiên 1 thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn, yếu tố, điều kiện khách quan xác lập, thúc đẩy tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh. 

Phiên 2 về những đóng góp, bổ sung, phát triển lý luận và thực tiễn của Đảng về tư duy, hành động đột phá phát triển trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với 12 tham luận trực tiếp, cụ thể, mang tính xây dựng cao tại hội trường, hội thảo còn nhận được hơn 100 bài tham luận của bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học. 

Tổng hợp nội dung các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, với cách tiếp cận toàn diện, khách quan, khoa học, các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc những vấn đề cốt lõi và tầm vóc, giá trị to lớn của tư duy và hành động đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông, những đánh giá và bài học kinh nghiệm rút ra từ việc khẳng định vai trò của tư duy và hành động đột phá của Quảng Ninh là cơ sở nhận diện, gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động đột phá mới, căn cứ đưa ra những giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Quảng Ninh trong thời gian tới.

N.H