Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách mang tính đột phá để điều phối vùng

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trong tình hình hiện nay, thưa ông?

Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị ban hành ngày 23/11 là hết sức cần thiết trong bối cảnh, tình hình mới tác động đến phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng và các địa phương trong vùng.

Điều này thể hiện sự quan tâm thường xuyên và là quyết tâm của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng Sông Hồng. Bởi vì đây là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với cả nước; có nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội; là nơi kết tinh, hội tụ tinh hoa văn hóa, có truyền thống lịch sử nhiều ngàn năm gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Đây cũng chính là vùng tọa lạc của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, kinh tế xã hội quan trọng của cả nước. Nghị quyết 30 ban hành nhằm tiếp tục phát huy vai trò của vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. 

Nghị quyết ra đời đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra với vùng và nguyện vọng, khát vọng của các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng. Đặc biệt với bối cảnh mới, có cả những cơ hội và thách thức, chúng ta thấy rằng cần có nội dung, quan điểm mới của Đảng để đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra.

Nghị quyết số của Bộ Chính trị ban hành không chỉ đưa ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà còn cổ vũ, động viên và phát huy các kết quả, thành tựu đã đạt được.

Chắc chắn Nghị quyết này sẽ giúp cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương trong vùng có được hướng đi, giải pháp cụ thể, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã bộc lộ ra. Đồng thời khai thác, phát huy tối đa các cơ hội, thuận để phát triển vùng và các địa phương trong vùng. 

Nghị quyết số 30 sẽ là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, cũng như khắc phục các hạn chế, tồn tại. Từ đó có điều chỉnh, bổ sung nguồn lực, để tiếp tục phát triển vùng và các địa phương trong thời gian tới.

Vậy đâu là điểm mới trọng tâm của Nghị quyết có tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng này trong thời gian tới?

Nghị quyết 30 đặt phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng trong chiến lược phát triển chung của cả nước. Rõ ràng, phát triển vùng phải phù hợp với các chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực lớn của cả nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia.

Nghị quyết đòi hỏi các ngành, các cấp cần nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng.

Việc đầu tiên là đòi hỏi hoàn thiện cơ chế, chính sách mang tính đột phá để điều phối cho hoạt động kinh tế vùng, đảm bảo sự điều phối đủ mạnh. Trong đó trọng tâm là quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường liên tỉnh, quản lý khai thác và bố trí các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các cụm liên kết ngành.

Tất nhiên những điều này phải dựa trên quyết tâm chính trị cao để bảo đảm tính hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng,

Nghị quyết hướng tới việc cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt mô hình tăng trưởng vùng dựa trên tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), nhất là với các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn... 

Chúng ta đề cập đến phát triển nhanh, bền vững vùng với cơ cấu kinh tế hiện đại để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước dựa vào 3 động lực chính.

Đó là tập trung đầu tư để phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước.

Cùng đó là phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; được tổ chức theo mạng lưới và phân bổ hợp lý với mô hình đô thị trên cơ sở giao thông (TOD).

Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng để phục vụ cho phát triển, đặc biệt là phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước…

Địa phương đang phát triển trong trạng thái cạnh tranh lẫn nhau

Để vùng đồng bằng sông Hồng liên kết hiệu quả, phát triển cao hơn thì các địa phương trong vùng cần làm gì, thay đổi tư duy như thế nào, có cách thức gì, thưa ông?

Nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch, hoàn thiện thể chế thì chưa đủ, chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thiện một số công cụ khác. Ví dụ như về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách để đảm bảo sự lan tỏa và hiệu quả ở tầm của vùng, từ đó tác động đến các vùng khác và cả nước.

Ngoài thể chế pháp luật chung của quốc gia còn sự chủ động, sự nhận thức của các địa phương trong thực hiện liên kết vùng.

Một điều đáng chú ý nữa là vùng Đồng bằng Sông Hồng đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối mạnh mẽ nhưng trên thực tế đầu tư cho giao thông vùng chưa thật sự tạo ra nền tảng quan trọng, giúp chúng ta khai thác được và hình thành các hành lang kinh tế cũng như các chuỗi, cụm liên kết ngành.

Điều này dẫn đến tình trạng, các địa phương đều cùng mong muốn có được nguồn lực đầu tư để phát triển trong trạng thái cạnh tranh lẫn nhau, trong điều kiện có lợi thế tương tự nhau. Thực tế này đã triệt tiêu và làm giảm đi các hiệu quả của đầu tư phát triển. 

Kể cả hoạt động phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển cũng phải có những điều chỉnh đảm bảo cho tính liên kết vùng rõ hơn thông qua việc sử dụng khai thác các nguồn lực này. 

Chúng ta nói đến câu chuyện không phải đầu tư công cho hạ tầng, cho các nhà máy, cơ sở sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống logistic, dịch vụ…

Tất cả những nội dung quan trọng này đòi hỏi phải có sự liên kết, phối hợp để cùng hành động, cùng chia sẻ các mục tiêu, lợi ích. Nói nôm na là tỉnh anh với tỉnh tôi, chúng ta sẽ phải cùng có chia sẻ cả về đóng góp, chia sẻ cả về khai thác các lợi ích chung cho các dự án, các công trình trong vùng.

Điều đó đòi hỏi ngân sách Trung ương không đủ thì ngân sách địa phương cũng cần huy động để thể hiện tính chủ động và trách nhiệm của địa phương tham gia trong các hạ tầng này. Để làm điều đó thì cần xem xét điều chỉnh thể chế pháp luật.