Ngày 23/10, tại buổi thông tin báo chí của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện qua cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.

Ước tính khoảng 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn trầm cảm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá đây là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. Thế giới ghi nhận khoảng 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm, tương đương 3.000 người mỗi ngày. 

benh nhan tram cam.png
Bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ảnh: PV. 

Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật và có thể chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Nam giới và nữ giới mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành lần lượt cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Tuấn Khiêm, mới đây các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân L.T.S 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng buồn chán, có ý định tự tử. Chị S. có cuộc sống gia đình yên ấm, chồng hết mực yêu thương, không có tiền sử các bệnh tâm thần.

Khoảng 3 tháng qua, chị S. phải làm tăng ca nhiều. thậm chí có ngày 3 - 4h sáng chị mới ngủ. Một tháng chị S. sút 5kg, cơ thể mệt mỏi, mất ngủ kéo dài. Chị S. chán ăn, luôn thấy tương lai ảm đạm, tuyệt vọng và nhiều lần nghĩ tới cái chết.  

Chồng chị S. nhận thấy vợ có nhiều dấu hiệu bất thường nên đã đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám. Bệnh nhân được chẩn đoán đã bị trầm cảm ở giai đoạn nặng, không có các triệu chứng loạn thần nhưng có ý định tự sát. Chị S. được kê thuốc phối hợp với liệu pháp điều trị tâm lý.

Sau hai tuần, sức khỏe của chị S. ổn định hơn. Chị đỡ buồn chán, bớt bi quan, ăn ngon miệng, đêm ngủ tốt. Các bác sĩ tư vấn cho người thân cần loại bỏ các vật có khả năng gây hại như đồ sắc nhọn để hạn chế nguy cơ bệnh nhân có thể tự sát. Gia đình phối hợp cùng nhân viên y tế theo dõi sát bệnh nhân 24/24h, đặc biệt vào ban đêm và rạng sáng. Hiện bệnh nhân đã xuất viện về nhà theo dõi và tái khám theo lịch hẹn.

Dấu hiệu của trầm cảm: 

- Người bệnh có khí sắc buồn, bi quan, mất hy vọng, mất hứng thú. 

- Ăn uống không ngon miệng, sút cân nhanh chóng.

- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ trằn trọc. Ngược lại có một số người lại ngủ quá nhiều.

- Ngại vận động, bệnh nhân có biểu hiện thích nằm trên giường, ngại các hoạt động, cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi nhiều vào buổi sáng.

- Người bệnh luôn cảm thấy vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung.

- Có ý định hoặc hành vi tự sát như nói về tự tử, chết chóc, bận tâm đến cái chết; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; thể hiện cảm giác tuyệt vọng.

TP.HCM thí điểm điều trị trầm cảm tại trạm y tếƯớc tính có khoảng 3,8% dân số thế giới bị rối loạn trầm cảm, tương ứng với khoảng 280 triệu người. Tỷ lệ này tăng lên sau đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, việc điều trị trầm cảm vẫn còn nhiều khó khăn.