Từ lâu, việc ăn uống, mua bán tại các quán vỉa hè trở thành thói quen của người dân TPHCM. Thế nhưng nếu tận mắt chứng kiến "hậu trường" của nhiều điểm kinh doanh này, chắc hẳn nhiều người sẽ rất lo lắng, thậm chí phát hoảng trước những gì mình đã mua về chế biến thực phẩm và ăn uống.

Phát khiếp trước cảnh "hậu trường" nhếch nhác

Điểm bán hủ tiếu bò viên trên đường Phan Văn Hân ngay khu chợ ven đường (P17, Q.Bình Thạnh) vào chiều tối khách đông đúc, bàn ghế tràn xuống cả lòng đường. Bên cái bếp di động cáu bẩn, người đàn ông đứng bán hàng dùng tay trần bốc vật liệu bỏ vào tô rồi chế nước lèo mang đến cho khách.

Ngồi sát miệng cống, vợ chủ quán rửa đống chén đũa bẩn với vỏn vẹn hai xô nước chuyển màu đục, sủi bọt xà phòng, lềnh bềnh váng mỡ. Chị đặt những chén đã rửa xong ngay trên nắp cống, sau đó số vật dụng này được mang ra tiếp tục đựng thức ăn phục vụ khách hàng.

Dạo quanh khu ăn đêm khá nổi tiếng ngay bùng binh Nguyễn Tri Phương (Q10), không khó bắt gặp hình ảnh các quán vỉa hè hoạt động cạnh miệng cống, thùng rác. Lý giải về chuyện này, một chị bán hàng nói: "Xí” được chút vỉa hè là may lắm rồi, hơn nữa đặt gần cống để tiện việc rửa chén, dọn dẹp và gom rác". Một quán lẩu có bếp nằm phía trong nhà hẳn hoi, nhưng khi bước vào thì không thể tưởng tượng nổi vì đặt ngay cửa phòng vệ sinh bốc mùi xú uế, thực phẩm dùng chế biến món ăn để vương vãi trên nền nhà, khách cứ thế bước qua để đi vệ sinh.

Phía sau Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (P11, Q5), vào một buổi trưa mới đây, cảnh luộm thuộm, mất vệ sinh từ những điểm bán hàng ăn uống trên vỉa hè liên tục diễn ra, nước thải, giấy, thức ăn thừa... vất bừa bãi xuống đường. Ngồi ngay cái bàn đặt cạnh thùng rác to đùng, chị Tâm (quê TP.Cần Thơ) cho hay đang đi khám bệnh nên ra đây dùng bữa. Chị đã đi một vòng xung quanh khu vực này, nhưng thấy ở đâu cũng nhếch nhác như thế, đành ngồi ăn cho xong bữa.

Cảnh buôn bán, ăn uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều điểm ở TPHCM

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Q5), các xe bán thức ăn tập trung đông đúc trước cổng. Cứ cách khoảng một hai mét lại có một "quầy" lưu động bán cháo, trái cây, cơm, bánh mì, đồ ăn vặt... Thức ăn không được che đậy, người bán dùng tay trần chế biến đồ ăn.

Tương tự, tại một con hẻm đối diện phía trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Q.Bình Thạnh), người bán còn bày bếp than, lò nấu ngay giữa lối đi, thức ăn thì phơi giữa nắng bụi, không được che đậy kỹ càng. Người dân cho biết, ban đêm chỗ này vắng vẻ nên nhiều người đi thăm bệnh đến tiểu tiện, thế nhưng sáng ra thì quán vỉa hè vẫn đến bán, thực khách vô tư ngồi ăn.

Quản lý không xuể?

Nhiều vỉa hè đường phố và mặt hẻm đang được tận dụng tối đa để buôn bán đồ ăn, thức uống một cách bát nháo, bất chấp những quy định khắt khe về lĩnh vực kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, mới đây đã tiến hành kiểm tra hàng loạt mẫu đồ ăn, thức uống bày bán trên vỉa hè. Kết quả rất đáng lo ngại khi hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), từ 70 - 80% nhiễm khuẩn, trong đó có E.Coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn tả. Đó là chưa kể những vụ ngộ độc chết người vẫn thường xảy ra hàng năm do ăn thực phẩm đường phố mất vệ sinh.

Vấn đề nan giải hiện nay là cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thực phẩm tại những quán ăn uống có đăng ký kinh doanh, còn những quán vỉa hè, hàng rong tràn lan thì dường như không thể kiểm soát xuể.

Theo nhận định của một số nhà chuyên môn tại hội nghị về quản lý VSATTP đô thị diễn ra gần đây tại TPHCM, để có lãi nhiều, người buôn bán ở những nơi này thường mua nguyên liệu giá rẻ, chất lượng kém, nhiều khi là đồ ôi thiu tại những khu chợ chiều, sau đó "phù phép" bằng cách ướp nhiều gia vị có mùi thơm, cho nhiều bột ngọt, phẩm màu, đường hóa học vào chế biến... để đánh lừa khách hàng.

Những loại thực phẩm không đủ tiêu chuẩn VSATTP và hóa chất bị lạm dụng sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, sinh ra ngộ độc, bệnh tiêu hóa và cả những bệnh nguy hiểm khác.

Cạnh đó, hầu hết những người buôn bán vỉa hè lại không có kiến thức về VSATTP, bản thân họ không được khám bệnh định kỳ theo quy định. Những nơi buôn bán vỉa hè thường ở trong tình trạng chật chội, thiếu nước, chỗ rửa thức ăn và vật dụng thường gần miệng cống để tiện đổ rác thải. Hoạt động của những quán vỉa hè này luôn lấn chiếm lòng lề đường, nước thải thường đổ tràn ra vỉa hè gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Thế nhưng nếu nhìn dưới góc độ khác, có thể thấy sự tồn tại của những quán hàng rong, thức ăn vỉa hè không những giải quyết được nhu cầu việc làm rất lớn cho người lao động, mà còn đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khá đông người dân có thu nhập trung bình trong xã hội hiện đại và bận rộn. Chính vì vậy mà sự tồn tại của hàng rong, quán ăn vỉa hè cần được nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc.

"Trước nay, việc quản lý loại hình kinh doanh này vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, đành để cho những nơi này trong tình trạng thả nổi. Vấn đề cốt lõi là kiểm soát nguồn thực phẩm và điều kiện bán hàng thì chúng ta chưa làm được, mà phần lớn vẫn xử lý an ninh trật tự, như: lấn chiếm lòng lề đường, đi thu gom theo kiểu được chỗ nào hay chỗ nấy, sau một đợt kiểm tra thì... mọi việc đâu lại vào đấy!" - Một cán bộ quản lý VSATTP ở TPHCM nêu ý kiến tại hội nghị.

Việc thả nổi hoặc đẩy đuổi những người buôn bán hàng rong vỉa hè chạy lòng vòng theo cách làm hiện nay đều không phải là giải pháp tích cực, nếu không muốn nói là chẳng khác gì "bắt cóc bỏ dĩa". Thiết nghĩ, cần có kế hoạch hoàn chỉnh và hợp lý cho sự tồn tại của mô hình này, đồng thời có biện pháp quản lý tốt hơn về VSATTP vì rõ ràng xét về mặt cung cầu của xã hội thì đây là nhu cầu có thật.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM:

Ở một thành phố trên 10 triệu dân, ý thức cộng đồng về VSATTP còn nhiều bất cập, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra và sẽ còn xảy ra. Quan điểm của tôi là không xem nhẹ và đừng bao giờ nghĩ ngộ độc thực phẩm là bất ngờ. Ngộ độc nếu xảy ra với các nhóm cơ địa yếu, dị ứng thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng không kém gì các bệnh lý nghiêm trọng.

Giải pháp quản lý thực phẩm chúng ta đã có, đã làm từ lâu rồi nên tình hình mới được như hiện nay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp làm không xuể, đặc biệt là đối với các trường hợp riêng lẻ, tự phát như thời gian qua. Việc chủ động và không xem nhẹ sẽ giúp chúng ta dự phòng tốt hơn. Trước tình hình thực tế hiện nay, bắt buộc cơ quan chức năng của TPHCM phải vào cuộc quyết liệt hơn. Điều quan trọng là theo từng năm, an toàn thực phẩm sẽ hoàn thiện, tích cực hơn.

Theo Công an TP HCM